Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)
Đa số các đại biểu đều đồng ý với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2012; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013.
Điều chỉnh vốn đầu tư xã hội theo hướng tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề cao việc bố trí ngân sách cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015 đã tạo điều kiện cho các cấp chính quyền địa phương, bộ, ngành sự chủ động nhất định, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Tuy nhiên, đại biểu này cũng kiến nghị, cần bố trí ngân sách hợp lý, tránh lãng phí để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường thanh tra, thẩm định các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia đồng thời bổ sung thêm nguồn ngân sách hỗ trợ triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững; phân bổ ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư và giảm chi hành chính – sự nghiệp...
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) nhất trí với quan điểm NSNN dành cho việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, do đó, cần tập trung đẩy mạnh cho các chương trình nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng đời sống nông dân. Cũng theo đại biểu Hoàng, cần tăng nguồn đầu tư cho nông nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ góp phần tăng năng suất, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch...
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kiến nghị trong báo cáo của Chính phủ nên có đánh giá chi tiết hơn về hạn chế, yếu kém bởi đây cũng là những nội dung liên quan thiết thực tới các giải pháp của năm sau. Đại biểu Hùng cũng kiến nghị, việc thực hiện dự toán NSNN 2013 và phân bố ngân sách Trung ương 2013 cần tự chủ tài chính theo hướng thể hiện thái độ nghiêm khắc khi duyệt kiểm toán, nghiên cứu sửa đổi Luật Kiểm toán theo hướng nâng cao hiệu quả pháp lý; tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng NSNN; tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong phân bổ ngân sách về các ngành, địa phương...
Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, các bộ, ngành cũng cần khẩn trương tiếp thu các kiến nghị của cử tri, của các cơ quan chuyên trách của Quốc hội về khắc phục các bất cập trong thu – chi ngân sách đồng thời các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội cũng phải tăng cường giám sát việc triển khai thực thi NSNN.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề xuất, để đảm bảo tính chất vùng miền trong phân bố NSNN, cần tiếp tục ưu tiên cho khu vực miền núi, biên giới và hải đảo; tăng cường tính công khai, minh bạch trong dự toán và triển khai, phân bổ NSNN.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề xuất Chính phủ nên có phương án, kế hoạch bù thu ngân sách, tập trung chống lạm thuế, chống chuyển giá, gửi giá, chống gian lận thương mại. Theo đại biểu này, việc thực hiện NSNN cần tập trung cho chương trình nông thôn mới, các chương trình 134, 135 và 30a về xóa đói giảm nghèo...
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng, vốn đầu tư được phân bổ là 180.000 tỷ đồng là con số quá nhỏ, không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu, nhất là với việc triển khai các chương trình liên quan đến điện, giao thông, trường học... Đồng tình với với quan điểm này, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng đề nghị nên cân đối thêm nguồn vốn đầu tư xã hội. Theo đại biểu Chiểu, đây là mức phân bổ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây mà các nội dung được đề cập mới chỉ ngắn hạn, chưa coi trọng trung và dài hạn.
Cân nhắc việc tăng lương trong bối cảnh khó khăn chung
Về vấn đề tăng lương, đại biểu Bùi Đức Thu (Lai Châu) bày tỏ băn khoăn trước lộ trình cải cách tiền lương trong bối cảnh đang khó khăn như hiện nay. Theo đại biểu này, nên lưu ý tới các chính sách đối với người có công và hỗ trợ những người hưởng lương thấp.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, đối với việc tăng lương, điều thiết yếu là phải cân đối nguồn và việc làm này cần cân nhắc hết sức cẩn thận bởi cắt giảm nguồn đầu tư khác để bù vào quỹ lương là việc làm khó khăn hiện nay, nhất là việc tăng lương chỉ tác động tới một bộ phận cán bộ công chức trong khi đại bộ phận của xã hội không bị ảnh hưởng bởi tác động này. Có chăng, nên ưu tiên vào các đối tượng chính sách và cán bộ công chức thu nhập thấp.
Đối với việc điều chỉnh nguồn NSNN với quỹ lương, điều chỉnh lương, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề xuất cả Quốc hội và Chính phủ cần cân đối NSNN theo hướng trọng tâm, trọng điểm với các lịch trình cụ thể, từ đó lên phương án phân bổ các nguồn lực một cách hợp lý.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam