Vai trò cấp ủy Đảng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(NTO) Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ), ngày 11-4-2012, Tỉnh ủy đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào TDBVANTQ”.

>>Thực trạng các tổ an ninh tự quản trên địa bàn dân cư

Theo đó, thông qua các hình thức, biện pháp để đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ cả bề rộng và chiều sâu, cả thành thị và nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp và trường học tạo thành mạng lưới AN nhân dân và thế trận AN nhân dân vững chắc.

Tổ nhân dân tự quản thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải, Ninh Hải tuyên truyền công tác ANTT cho bà con. Ảnh: T.L

Có thể nói trước thực trạng của các tổ NDTQ và tình hình ANTT diễn biến phức tạp, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW như là chiếc đòn bẫy thúc đẩy cấp uỷ các sở, ngành, địa phương chú trọng hơn đến phong trào TDBVANTQ. Ông Quảng Tài, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết: “Mặt trận đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy rất cụ thể, trong đó yêu cầu các đơn vị phải tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; vận động quần chúng xây dựng thế trận AN nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào”. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, hệ thống chính trị nói chung và các hội, đoàn thể nói riêng đã tích cực tổ chức nhiều mô hình tự quản về ANTT. Biểu hiện rõ nhất là CA các địa phương đã phối hợp với lực lượng CA xã, dân phòng, lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ tổ chức trên 2.500 ca tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn, kịp thời phát hiện hàng chục vụ trộm cắp; giải tán hàng trăm nhóm thanh- thiếu niên tụ tập đánh nhau, thu giữ hàng chục dao, mã tấu.

Qua phong trào TDBVANTQ ở các địa phương, cơ sở đã xuất hiện nhiều gương quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm. Điển hình như bà Đặng Thị Nghi, chủ tiệm vàng ở khu phố 3, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), sau khi nghe chính quyền thông báo về vụ mất trộm 1 dây chuyền vàng, 2 nhẫn vàng và trên 8 triệu đồng tiền mặt của một gia đình thu mua cá ở cảng cá Đông Hải; hôm đó thấy một thanh niên vào tiệm hỏi mua vàng có nhiều biểu hiện nghi vấn, bà đã bật camera ghi lại hình ảnh và bí mật báo cho CA phường đến kiểm tra, kết quả đã bắt giữ đối tượng, thu toàn bộ tang vật trả lại cho người bị hại. Cũng tại chợ Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), cảnh giác trước nạn trộm cắp thường xảy ra, khác với chị bán rau, khi phát hiện kẻ cướp giật, mọi người đã đổ xô bao vây bắt đưa về CA phường.

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, UBMTTQ, các Hội Phụ nữ, Nông dân, Ban Dân vận, Phòng Tư pháp… các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước thường xuyên phối hợp với lực lượng CA tổ chức các buổi họp dân phát động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, kết hợp đưa đối tượng vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước dân; riêng các đoàn thể trực tiếp đứng ra nhận quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng theo Nghị định 163/CP của Chính phủ.

Nhìn chung, qua phong trào TDBVANTQ, gần đây xuất hiện nhiều gương quần chúng nhân dân tiêu biểu, mưu trí, dũng cảm tham gia đấu tranh truy bắt tội phạm, được các cấp, các ngành khen thưởng. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng PV 28, trong thời gian qua phong trào TDBVANTQ ở tỉnh ta tiếp tục phát triển, huy động được sức mạnh của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua sự tăng cường lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng cơ sở, nhiều mô hình tự quản về ANTT được xây dựng. Đơn cử trong số 264 tộc họ toàn tỉnh, đã có 149 tộc họ đưa nội dung bảo vệ ANTT vào sinh hoạt tộc họ, trong đó riêng ở xã Phước Thái (Ninh Phước) đã có 18/38 tộc họ thực hiện xây dựng nội dung trên. Ông Đổng Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thái (Ninh Phước) cho biết: “Cùng với các dòng tộc tự quản xây dựng hương ước về ANTT, chúng tôi đang hướng dẫn các dòng tộc còn lại cách xây dựng hương ước, quy chế phù hợp. Đặc biệt tại thôn Như Ngọc, chúng tôi đang xây dựng mô hình điểm Tổ xung kích AN thôn, hoạt động theo hình thức dân nuôi, với kinh phí đóng góp hàng tháng 10.000 đồng /hộ. Từ hiệu quả mô hình sẽ nhân rộng toàn xã trong thời gian tới.”

Từ các mô hình và kinh nghiệm của các địa phương làm tốt, cho thấy sự cần thiết tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với phong trào TDBVANTQ và đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới. Điều này không những làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân theo hướng “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” về ANTT, mà còn tạo chất xúc tác giúp củng cố các mô hình tự quản ANTT, củng cố lực lượng CA xã. Thực tiễn chứng minh, nếu mọi cán bộ, nhân dân đều không còn thờ ơ với các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phòng ngừa, tố giác, tấn công trấn áp tội phạm thì ANTT thôn phố bình yên.

Đồng chí Trần Minh Lực
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ:

Phong trào “Dân vận khéo” trong giữ gìn bình yên thôn xóm đang có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình phối hợp công tác dân vận trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh từ tỉnh đến cơ sở được các cấp uỷ tập trung chỉ đạo đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực. Lĩnh vực trật tự xã hội đang xuất hiện các mô hình, điển hình trong vận động nhân dân tham gia phong trào TDBVANTQ. Công an tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện mô hình tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời triển khai sâu rộng mô hình “bốn không” (không tội phạm, không ma tuý, không tai nạn giao thông, không cờ bạc rượu chè) tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, việc thí điểm thành lập các Tổ Dân vận thôn, khu phố ở mỗi huyện, thành phố đang triển khai sẽ góp phần giúp các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác vận động nhân dân, tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở, nâng cao tính cộng đồng và tự giác trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, ổn định tình hình an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Nhưng để đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia, điều quan trọng là phải phát huy hiệu quả vai trò chủ trì của tổ tự quản về ANTT và các mô hình tổ, đội bảo vệ ở địa bàn dân cư.

Đồng chí Lê Ngọc Dũng

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (Ninh Phước):

Trước đây, có thời điểm xã Phước Thuận được đánh giá là một trong những địa bàn phức tạp về ANTT. Tuy nhiên, cấp ủy và chính quyền địa phương đã kịp thời nhận thức được tầm quan trọng của việc huy động người dân tham gia đấu tranh với các loại tội phạm. Do đó, chúng tôi đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể triển khai đến các ban, ngành, hội, đoàn thể tại địa phương, tăng cường sự phối kết hợp với lực lượng công an xã để tạo thành mạng lưới tin báo chặt chẽ, quản lý và nắm tình hình các đối tượng tại địa bàn dân cư. Hiện toàn xã có 72 tổ NDTQ, trung bình mỗi tổ có khoảng 50 hộ dân. Điều quan trọng là phải làm sao để mỗi người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong xây dựng phong trào TDBVANTQ, trên cơ sở sự lãnh đạo tập trung và xuyên suốt của cấp ủy và chính quyền địa phương, khi ấy phong trào mới thật sự mạnh và có hiệu quả.