Thực trạng các tổ an ninh tự quản trên địa bàn dân cư

(NTO) Theo Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV 28)-Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 2.600 tổ nhân dân tự quản (NDTQ), trong đó có trên 30% số tổ hoạt động khá. Nhìn chung các Tổ NDTQ đang hoạt động đều thực hiện tốt những nhiệm vụ như: Phối hợp với lực lượng CA tổ chức gọi hỏi, răn đe đối tượng vi phạm pháp luật, tổ chức họp đưa đối tượng ra kiểm điểm trước dân; phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư…

Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, riêng các tổ NDTQ đã phối hợp CA gọi hỏi, răn đe, giáo dục trên 2.700 đối tượng vi phạm pháp luật, kiểm tra tạm trú phát hiện hàng ngàn trường hợp vi phạm giúp CA quản lý địa bàn, quản lý nhân hộ khẩu và đối tượng chặt chẽ hơn. Qua các mô hình NDTQ, trong những tháng đầu năm nay, quần chúng nhân dân đã mạnh dạn cung cấp cho chính quyền và CA hàng ngàn nguồn tin liên quan đến hoạt động của tội phạm, trong đó có hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng CA điều tra, khám phá nhanh các vụ vi phạm pháp luật, bắt đối tượng và giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT tại cơ sở. Ưu điểm dễ nhận ra là hầu hết tổ trưởng, tổ phó các tổ NDTQ đều nâng cao tinh thần trách nhiệm của công dân, năng nổ, nhiệt tình vì cuộc sống cộng đồng, qua đó đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm. Điển hình như các tổ trưởng, tổ phó Tổ 11, thôn Lương Cách (Hộ Hải), Tổ 13, thôn Mỹ Tân và Tổ 2, thôn Mỹ Phong (Thanh Hải) thuộc huyện Ninh Hải; Tổ 3 và 4, thôn Nho Lâm, xã Phước Nam (Ninh Phước) và Tổ 2, khu 5, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn).

 
Bà Tô Thị Kiều, Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản thôn Đá Bắn (xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải)
tuyên truyền về An ninh trật tự cho nhân dân trong thôn. Ảnh: Văn Miên

Thượng uý Lê Văn Mạnh, cán bộ nghiệp vụ Phòng PV 28 cho biết: “Ngoài tổ NDTQ còn phải kể đến các mô hình tộc họ và đội, nhóm, câu lạc bộ của các hội, đoàn thể khác”. Các mô hình trên bao gồm 252 ban quản lý thôn, khu phố; 24 cụm liên kết an toàn về an ninh-trật tự (ANTT) giữa các cơ quan, doanh nghiệp, trường học với địa phương nơi đứng chân; 119 tộc họ tự quản; 47 lực lượng CA xã và 18 Ban Bảo vệ Dân phố, chưa kể các Đội Thanh niên xung kích AN, các CLB Phụ nữ phòng, chống tội phạm... Các mô hình tự quản về ANTT được triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư, bằng nhiều cách thức khác nhau.

Các mô hình tổ NDTQ đã và đang phát huy tác dụng tốt, tuy nhiên, thực tế tình hình trật tự xã hội trên địa bàn dân cư vẫn có biểu hiện diễn biến phức tạp, nạn trộm cắp, cướp giật gia tăng đang gây bức xúc trong nhân dân. Theo Phòng PV 28, trong những tháng đầu năm nay đã xảy ra 208 vụ phạm pháp hình sự và trong 196 vụ thường án, có 118 vụ trộm cắp tài sản (chủ yếu là trộm xe máy), chiếm tỷ lệ 56,7% tổng số vụ phạm pháp hình sự. Gần đây, chỉ từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9, trong 21 vụ hình sự xảy ra đã có 9 vụ trộm cắp tài sản (trong đó có 5 vụ trộm cắp xe máy), 4 vụ cướp giật tài sản, 1 vụ huỷ hoại tài sản. Cụ thể ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm có 3 vụ cướp giật tài sản, 6 vụ trộm cắp tài sản; trên địa bàn huyện Ninh Phước có 2 vụ trộm cắp tài sản và tại huyện Ninh Sơn có 1 vụ trộm cắp, 1 vụ huỷ hoại tài sản.

Thượng tá Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng PV 28 nhận định: “Đối tượng phạm tội chủ yếu là thanh- thiếu niên, tụ tập nhóm hoạt động liều lĩnh, gây án liên tục như cướp, cướp giật, trộm cắp xe máy, trộm cắp tài sản, vật nuôi của nhân dân”. Vì sao hoạt động của các đối tượng này ngày càng manh động, táo tợn? Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân đầu tiên là do thái độ dè dặt, ngại đụng chạm với kẻ gian của đa số người dân. Cụ thể như cách đây hơn 1 tháng, tại chợ Tấn Tài (Phan Rang-Tháp Chàm), một chị bán rau hành ngồi không xa phòng trực của Tổ Dân phòng, chứng kiến từ đầu đến cuối hành vi mở khoá đánh cắp xe đạp điện nhưng lại làm ngơ, khi đối tượng tẩu thoát mới báo cho người mất xe biết. Chị giải thích vì sợ kẻ cắp thù oán ảnh hưởng đến việc buôn bán. Hay như tại gia đình ông Nguyễn Văn H, ở phường Mỹ Hải, nghe tiếng chó nhà nuôi kêu rên ư ử, biết rằng bị bọn trộm bắt nhưng chỉ dám mở cửa khi bọn “cẩu tặc” đã đi khỏi.

Hiện tượng “người ngay sợ kẻ gian” đã phản ánh phần nào sự mờ nhạt của vai trò tổ NDTQ về ANTT. Bên cạnh con số chỉ có trên 30% tổ hoạt động khá, nhiều tổ NDTQ tuy duy trì sinh hoạt mỗi quý một lần nhưng còn mang tính hình thức, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân, chưa đề ra được biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết ANTT trên địa bàn. Trong đó có một phần nguyên nhân là do việc tổ chức họp dân vô cùng khó khăn, người dân ít quan tâm đến sinh hoạt tổ dân phố, không nắm bắt tính hình, nên dù phong trào TDBVANTQ đã được xây dựng hầu khắp các lĩnh vực, địa bàn nhưng thực chất phong trào phát triển chưa đều, chưa sâu và chưa bền vững.

Đại tá Phạm Văn Bình,

Phó Giám đốc Công an tỉnh:

Nhìn chung, các mô hình tự quản có đóng góp không nhỏ trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Các tổ tuần tra nhân dân, tổ an ninh liên thôn, đội xung kích an ninh,... hoạt động khá tốt, nhưng chỉ mới thí điểm tại một số địa phương, chưa nhân rộng; các tổ NDTQ còn hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân của thực trạng này là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lực lượng nòng cốt một số nơi chưa hỗ trợ tích cực cho người dân trong đấu tranh, tố giác tội phạm dẫn đến tâm lý e ngại; vai trò phối, kết hợp giữa các ban ngành, đoàn thể chưa có sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ,... Để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư, chúng tôi đang tập trung tiếp tục củng cố, kiện toàn các mô hình tự quản tại cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm trên địa bàn dân cư.

Thượng tá Nguyễn Văn Thạnh,

Phó trưởng Công an TP. Phan Rang – Tháp Chàm:

Thời gian gần đây, tình hình trộm cắp, cướp giật tài sản trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, phần đông nằm trong lứa tuổi thanh- thiếu niên, có tiền án tiền sự, thường lôi kéo các thanh thiếu niên khác tham gia. Mặt khác, tinh thần cảnh giác của người dân chưa cao; ý thức cộng đồng trong ngăn ngừa, phòng chống các loại tội phạm vẫn còn hạn chế, có lúc, có nơi chưa thực hiện được. Tâm lý lo sợ trả thù cũng khiến nhiều người dè dặt hơn trong việc tố giác, đấu tranh với kẻ xấu, khiến bọn tội phạm càng có “đất” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Chí,

Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn ( Ninh Sơn)

Địa phương rất quan tâm đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) để giúp người dân phát triển kinh tế, nhưng thời gian gần đây tình hình ANTT của xã còn diễn biến phức tạp, chủ yếu là việc gây rối của thanh niên các vùng giáp ranh. Trong 9 tháng đầu năm, xã đã tổ chức 4 đợt phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các thôn, qua đó, giúp người dân tham gia các ý kiến đóng góp để xây dựng phong trào tốt hơn; đưa gần 30 đối tượng ra kiểm điểm trước dân. Khi phát hiện vấn đề nghi vấn, bằng nhiều hình thức: gọi điện thoại, báo trực tiếp, nên lực lượng công an xã đã kịp thời xử lý. Để đạt được tiêu chí 19 trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp để phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.