Quốc hội thảo luận về Dự án Luật dự trữ quốc gia

Chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật dự trữ quốc gia (DTQG), cơ bản thống nhất với những chỉnh lý, hoàn thiện của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) từ các ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

 Quốc hội thảo luận tại Hội trường chiều 24/10. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về bổ sung một số vấn đề cụ thể trong Dự thảo luật, UBTVQH đã rà soát, bổ sung quy định tại các điều 4, 6, 17, 24, 39, 44, 50... về giải thích từ ngữ, nguồn hình thành DTQG, trách nhiệm của chính quyền địa phương về DTQG, Danh mục hàng DTQG, điều kiện chỉ định thầu, thanh lý hàng DTQG, điều kiện được nhận bảo quản hàng DTQG... và đã thể hiện cụ thể trong Dự thảo luật mới.

Hơn nữa, trên cơ sở một số ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát nội dung Dự thảo luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với nội dung đã được quy định tại một số luật liên quan , Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý nội dung về thanh tra chuyên ngành DTQG theo hướng quy định thanh tra chuyên ngành về DTQG thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật về DTQG theo quy định của pháp luật và cơ cấu nội dung này vào Chương I; bỏ Chương quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại tố cáo nhằm tránh trùng lắp.

Việc xác định mục tiêu DTQG gắn liền với việc bố trí nguồn lực tương ứng để thực hiện mục tiêu đề ra. Do đó, cần thiết phải có điều khoản xác định rõ mục tiêu nhằm tạo căn cứ pháp lý cho việc bố trí NSNN cho DTQG; vì vậy, vẫn giữ điều khoản quy định về mục tiêu DTQG trong Dự thảo luật.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) kiến nghị, hiện nay trong luật đã quy định về tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước cũng như là bộ máy làm nhiệm vụ trực tiếp quản lý về hệ thống DTQG. Tuy nhiên, ở tại Khoản 3, Điều 8, quy định tổ chức hệ thống cơ quan chuyên trách DTQG thì được thành lập ở các vùng, các địa phương, nhưng cũng không xác định là các điều kiện, các quy tắc cụ thể, thẩm quyền cụ thể để thành lập các cơ quan này như thế nào. Như vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nó có hai vấn đề: Thứ nhất, không có cơ sở cụ thể để các cơ quan chức năng quyết định thành lập các điểm này; Thứ hai, không có cơ sở để kiểm soát để đảm bảo các cơ sở này thành lập một cách hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo việc tinh giản bộ máy biên chế nhưng cũng thực hiện được nhiệm vụ.

Theo ĐBQH Nguyễn Thành Tâm cũng cần phải lưu ý thêm về chế độ chính sách cho những người tham gia hoạt động DTQG cũng như bổ sung thêm quy định về quản lý Nhà nước ở Điều 10.

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho rằng, khi phạm vi về mục tiêu đã được thu hẹp lại, cần phải xem xét Điều 32 của luật về nhập, xuất hàng DTQG, trong đó, đề nghị bỏ điểm c vì trong mục tiêu là chúng ta đã loại mục tiêu của DTQG là bình ổn giá thị trường. ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết bày tỏ sự nhất trí cao với Điều 22, 24 nhưng đề nghị với Điều 57 về quy hoạch quỹ đất xây dựng cho DTQG, nên quy định rõ trách nhiệm bố trí của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

ĐBQH Lê Văn Hoàng (TP Đà Nẵng), cho biết, Khoản 5, Điều 5 dự thảo luật quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. Đây là một quy định đúng đắn thể hiện được chủ trương xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực dự trữ quốc gia trong điều kiện hiện nay khi tiềm lực ngân sách còn có hạn, để tăng cường sức mạnh cho dự trữ quốc gia thì cần phải tạo cơ chế huy động toàn xã hội tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn thiếu những quy định nhằm cụ thể hóa những chính sách này do đó tôi đề nghị cần nghiên cứu và bổ sung những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn về một số chính sách như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia, ưu đãi về mặt bằng xây dựng kho dự trữ, ưu đãi về xuất nhập khẩu các trang thiết bị cũng như những công nghệ phục vụ cho việc bảo đảm hàng hóa dự trữ.

Theo ĐBQH Hà Thị Lan (Bắc Giang), quy định trong Điều 8 sẽ khó đảm bảo tính tập trung thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bởi cơ quan DTQG chuyên trách và các đơn vị dự trữ quốc gia bị xé lẻ và trực thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau. Hơn nữa, trong chế độ chính sách đối với công chức, viên chức DTQG tại Điều 9, Khoản 2 quy định người làm công tác dự trữ quốc gia được hưởng phụ cấp thâm niên tùy theo lĩnh vực nghề, công việc đảm nhiệm được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề không phù hợp. Hay như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về DTQG của Bộ Tài chính tại Điều 14, Điểm c, Khoản 2 quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia trình Bộ Tài chính quyết định nên nên giao cho các Bộ chuyên ngành quy định.

ĐBQH Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) cho rằng, về tổ chức DTQG tại Điều 22 tuy dự thảo luật lần này đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của ĐBQH nhưng còn chung chung, không có tiêu chí để làm căn cứ xác định tổng mức dự trữ quốc gia. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể 1 trong 2 nội dung: thứ nhất, cần quy định tổng mức dự trữ quốc gia là bao nhiêu đáp ứng theo mục tiêu dự trữ quốc gia có thể quy định bằng tỷ lệ % hoặc so với GDP hàng năm hay tỷ lệ % so với dự toán ngân sách của Nhà nước; Thứ hai, cần quy định cụ thể hơn đơn vị tính, cơ cấu các nhóm hàng hóa dự trữ, tỷ lệ dự trữ bằng hàng hóa và dự trữ bằng ngoại tệ v.v... Vì chỉ khi nào đưa ra những thông số, chỉ tiêu cụ thể mang tính định lượng thì mới đảm bảo căn cứ để đạt được mục tiêu đặt ra với dự trữ quốc gia.

ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh), thì lại cho rằng sản xuất, kinh doanh ở nước ta cũng như công tác quản lý thị trường cùng còn rất khó khăn trong thời gian không ngắn và vẫn cần phải bình ổn thị trường để đảm bảo an sinh xã hội trong những điều kiện khi có những biến động bất thường về giá cả. Do vậy, cần phải bổ sung trở lại nội dung tham gia bình ổn thị trường vào mục tiêu của DTQG. Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của luật, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm điều, khoản quy định về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước đối với DTQG...

ĐBQH Ngô Văn Hùng (Lào Cai) nêu rõ, cần giữ Điều 1 là mục tiêu của DTQG, vì nếu chúng ta không xác định mục tiêu cụ thể, tập trung nguồn lực của Nhà nước cho dự trữ quốc gia thì chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu này. Đối với việc xác định khi xuất hàng dự trữ quốc gia để bình ổn giá cả thị trường thì vấn đề đó lại sai với mục tiêu chúng ta đề ra, do đó, nên bỏ phần cuối, tức là xác định nhiệm vụ khác đột xuất của đất nước, bởi những vấn đề nêu trên đã thể hiện đầy đủ việc đột xuất, cấp bách khi thực hiện nhiệm vụ của đất nước.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, qua 22 ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường, đa số tán thành và tất cả đều tập trung 14 nội dung cụ thể nêu trong báo cáo. Nhiều ý kiến tán thành nhưng nhưng cũng có một số nội không tán thành và một số có ý kiến khác, Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát lại bố cục, các điều khoản cụ thể, tiếp thu nghiên cứu rà soát bổ sung chỉnh lý thấu đáo trong thời gian tới đây./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam