Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Điện lực, Luật Luật sư sửa đổi

Ngày 23/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, của Luật Luật sư.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). (Ảnh: Chinhphu.vn)

Theo Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, khi sử dụng điện, người tiêu dùng phải chịu các loại giá, phí gồm khung giá phát điện; giá truyền tải, giá phân phối, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá bán buôn; phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và phí điều tiết hoạt động điện lực.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ, việc quy định nhiều loại phí dẫn đến giá điện bị đẩy lên cao ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.

Đồng tình với vấn đề này một số đại biểu cũng đề nghị không thu khoản phí điều tiết điện lực, bởi đây là hoạt động quản lý nhà nước, do vậy, hoạt động này phải được ngân sách nhà nước bảo đảm.

Liên quan đến bù chéo giá điện, đa số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định bù chéo giá điện sản xuất, giá điện sinh hoạt và bù giá giữa các nhóm khách hàng, giải trình tiếp thu ý kiến này Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng theo báo cáo của các cơ quan chức năng, việc bù chéo giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt đã giảm dần và cho đến nay đã được xóa bỏ.

Liên quan đến quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, theo các đại biểu Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam), Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đăk Nông), Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang), chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực 10 năm và có định hướng 10 năm tiếp theo là phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa quy hoạch thành các kế hoạch, chương trình cụ thể với thời gian thực hiện cần ngắn hơn nhằm gắn với trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện đồng thời là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch là rất cần thiết.

Ngoài ra, một số vấn đề về tính kết nối quy hoạch, việc hình thành và phát triển thị trường điện lực, cơ cấu giá điện, giá phân phối điện, về quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.

Đề nghị rút ngắn thời gian hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Về hình thành và phát triển thị trường điện lực, theo dự thảo lộ trình đến năm 2022 sẽ hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, một số ý kiến cho rằng là quá chậm, cần rút ngắn khoảng thời gian này và đề nghị có quy định về tái cơ cấu ngành điện trong dự thảo Luật

Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc hình thành và phát triển thị trường điện là một vấn đề mới, phức tạp đối với nước ta; điện là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội của cả nước. Chính vì vậy, cần có đủ thời gian để vừa xây dựng, phát triển, vừa hoàn chỉnh thị trường điện với tinh thần hết sức thận trọng. Các mốc thời gian, điều kiện hình thành, phát triển các cấp độ thị trường điện lực cũng đã được quy định trong Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Để đảm bảo thị trường điện cạnh tranh thực sự có hiệu quả, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc tái cơ cấu ngành điện, tăng cường tính độc lập giữa các đơn vị tham gia trong thị trường điện là yếu tố quan trọng tác động đến lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã được Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Đề nghị vẫn cấp giấy bào chữa trong tố tụng hình sự

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, trong đó nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư khi tham gia tố tụng hình sự.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Giấy chứng nhận người bào chữa là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của luật sư khi tham gia tố tụng. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, những vướng mắc về việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư hiện nay chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện mà không vướng mắc về pháp luật. Do đó, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong tố tụng hình sự như dự thảo Luật.

Đồng thời dự thảo bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tuy nhiên một số đại biểu đề nghị nên bỏ quy định này để tạo thuận lợi hơn cho luật sư. “Tôi nghĩ đây là bước khởi đầu để tiếp tục sửa đổi Bộ Luật tố tụng hình sự và cũng là đột phá để giúp cho các luật sư có thể tiếp cận được, tham gia được nhiều các vụ án hình sự”, đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) nói.

Nếu bỏ quy định này thì có thể có những vấn đề vướng mắc, khó khăn của tố tụng, có những vấn đề này, vấn đề kia khi luật sư gây khó khăn cho cơ quan phần tố tụng thì có thể sẽ chỉnh sửa ở Bộ luật tố tụng.

Cũng trong dự luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định viên chức đang giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư vì e ngại đến chất lượng của luật sư và chất lượng giảng dạy của viên chức.

Nguồn www.chinhphu.vn