Bế mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 18-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015.

Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII chiều 18/10.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo bổ sung về công tác rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015.

Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, báo cáo bổ sung lần này của Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 ngày 04/5/2012 và của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cụ thể: Đối với 13 dự án thành phần về truyền thông, giám sát đánh giá và nâng cao năng lực ở các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã làm việc với các bộ quản lý chương trình về tính cần thiết của dự án thành phần này và cho rằng, đây là các dự án quan trọng, cần thiết, không thể thiếu để hoàn thành mục tiêu của từng chương trình; đồng thời qua rà soát, đã giảm kinh phí bố trí cho các hoạt động này từ 14.111 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2015 xuống 11.874,228 tỷ đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với Chính phủ tiếp tục thực hiện 13 dự án thành phần về truyền thông, giám sát đánh giá và nâng cao năng lực. Tuy nhiên, về tổng mức kinh phí bố trí cho 13 dự án thành phần trên. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục giảm khoảng 1.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2013 - 2015 của 13 dự án thành phần này, vì tổng kinh phí bố trí cho các dự án thành phần này là khá nhiều; tính lồng ghép giữa các chương trình chưa cao; bảo đảm mức cân đối với ngân sách địa phương (theo hướng ngân sách Trung ương tương ứng với ngân sách địa phương); đồng thời đề nghị điều chuyển số kinh phí này để bổ sung cho Chương trình 135, Chương trình 30a thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Chính phủ đã giải trình và tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, rà soát kỹ lưỡng từng dự án thành phần và điều chỉnh, cắt giảm một số nội dung và kinh phí của các dự án thành phần này (giảm 2.236,77 tỷ đồng so với phương án ban đầu). Do vậy, thống nhất với Chính phủ về tổng kinh phí bố trí cho 13 dự án thành phần này trong cả giai đoạn 2011 - 2015 là 11.874,228 tỷ đồng.

Về cơ bản, Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường vụ thứ 8 và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; điều chỉnh, loại bỏ các nội dung chưa phù hợp trong các dự án thành phần của từng Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, còn một số nội dung chưa được tiếp thu, cụ thể như: Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chính phủ đề nghị giữ lại hai nội dung “Hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật...” và “Tăng cường nguồn lực cho toàn lực lượng quản lý thị trường và nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành về kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” và cho rằng, công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; một số chính sách không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung nên cần đưa nội dung này vào chương trình để đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc xây dựng chính sách pháp luật thuộc nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Công thương và Bộ Y tế. Trường hợp phải sửa đổi các quy định pháp luật thì các cơ quan này báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm để bố trí kinh phí triển khai thực hiện; trường hợp sửa đổi Nghị định, Thông tư thì báo cáo Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm để tiến hành xây dựng, sửa đổi. Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục đề nghị loại bỏ hai nội dung thuộc hai dự án thành phần trên.

Về Chương trình giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã giải trình và đề nghị giữ nguyên nội dung và tên gọi hai dự án thành phần “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo” và dự án “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để bảo đảm hiệu quả, đầu tư có hệ thống, mang tính liên tục của Chương trình 135 và Chương trình 30a đã thực hiện trước đây, thì cần thiết phải tách riêng để có hai dự án thành phần là: Chương trình 135 giai đoạn III và Chương trình 30a. Đồng thời, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ mới trong tổng thể dự án về giảm nghèo vào nội dung thực hiện của các chương trình này. Như vậy, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chung của Chương trình, vừa giữ được “thương hiệu” đã có trước đây, tạo niềm tin cho người dân trong thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác giảm nghèo, công tác dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thẩm tra và thể hiện trong Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013, trong đó có ý kiến về kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2013 - 2015. Đối với kế hoạch phân bổ trung hạn cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013 - 2015, Chính phủ chưa phân bổ vốn sự nghiệp; chưa phân bổ cho các dự án thành phần; chưa phân bổ chi tiết cho từng bộ, ngành, địa phương, nên chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội lần này chỉ cho ý kiến bổ sung về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015.

Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ trên cơ sở nguồn lực tổng thể đã được Quốc hội thông qua, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xác định rõ các cam kết của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài và khả năng đóng góp của nhân dân. Để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, sớm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2013 - 2015 để các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai công việc và huy động các nguồn vốn đối ứng. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý và thường xuyên đánh giá, sơ kết việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Thông báo ý kiến để Chính phủ chủ động rà soát, điều chỉnh và giao các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn 3 năm 2013 - 2015 cho các chương trình mục tiêu quốc gia khi Chính phủ có tờ trình và được Quốc hội ủy quyền.

Trong buổi làm việc, nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguồn lực và tiến độ thực hiện các dự án, chương trình; giải thích về việc chậm tiến độ của rất nhiều dự án đang triển khai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, một số chương trình đã rõ mục tiêu như: Chương trình 135, 134, xây dựng nông thôn mới, nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm và một số chương trình y tế khác thì cần tiếp tục phê duyệt, phân bổ vốn để tiếp tục triển khai trong thực tế. Đối với những chương trình, dự án chưa rõ mục tiêu, chưa xứng tầm mục tiêu quốc gia thì cần kiên quyết cắt bỏ, tránh để ảnh hưởng đến tiến độ các chương trình khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị, chỉ nên xây dựng định hướng phân bổ ngân sách trung, dài hạn 3-5 năm để làm cơ sở triển khai. Do đó, chỉ nên xây dựng dự kiến phân bổ, xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia đến năm 2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, về phương án rà soát lại các chương trình có kết quả tốt thì tiếp tục bố trí vốn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần tiếp tục phối hợp, rà soát lại hiệu quả từng dự án, báo cáo Quốc hội. Đặc biệt cần xem xét lại việc phân bổ ngân sách đối với Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết luận Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Bên cạnh hoàn thiện nhiều công việc quan trọng, một số nội dung vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, tiếp tục phải chuẩn bị, cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sắp tới có rất nhiều nội dung lớn như: Cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật đất đai; Đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn... Để đảm bảo chất lượng Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các cơ quan liên quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị thật tốt các nội dung làm việc, công tác hậu cần, đảm bảo thành công của Kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam