Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh có lãnh đạo cấp cao và quan chức Chính phủ
32 quốc gia thành viên ACD. (Ảnh:news.kuwaittimes.net)
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh có lãnh đạo cấp cao và quan chức Chính phủ 32 quốc gia thành viên ACD. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra cuộc họp các quan chức cao cấp và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ACD.
ACD được thành lập năm 2002 nhằm gắn kết Châu Á để nâng cao thế mạnh của Châu Á trên nhiều lĩnh vực, bổ sung cho các cơ chế hợp tác sẵn có trong khu vực qua việc xây dựng các mắt xích còn thiếu trong hợp tác Châu Á, xây dựng lục địa châu Á thành Cộng đồng Châu Á hòa bình, phát triển và thịnh vượng. Đến nay, ACD đã trở thành diễn đàn đối thoại liên Á duy nhất thu hút sự tham gia của 32 quốc gia thuộc mọi khu vực địa lý của Châu Á như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, Trung Đông.
Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của ACD sau 10 năm thành lập và đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác của ACD. Hội nghị đã điểm lại những thành tựu hợp tác trong thập kỷ vừa qua, thảo luận về các thách thức các nước Châu Á đang phải đối mặt trên các lĩnh vực như: năng lượng, lương thực, tài chính, đầu tư, thương mại, biến đổi khí hậu và đưa ra định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Hội nghị Thượng đỉnh đã khẳng định lại các giá trị cốt lõi của hợp tác ACD là diễn đàn mở, tự nguyện, và tôn trọng sự đa dạng. Các nước thành viên ghi nhận những thành tựu đạt được của ACD trên 20 lĩnh vực hợp tác như xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực, hợp tác về năng lượng, trao đổi văn hóa, bảo vệ môi trường, thương mại, đầu tư, công nghệ thông tin .v..v. ACD đã thúc đẩy đối thoại, kết nối các khu vực của châu Á cũng như tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, quá trình phục hồi chậm chạp, khủng hoảng nợ công khu vực EU vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định, Hội nghị cho rằng trong thời gian tới, châu Á sẽ đứng trước nhiều thách thức như: sự bất ổn định do khủng hoảng kinh tế gần đây, vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên và vấn đề khủng bố.
Lãnh đạo các nước thành viên đã nhấn mạnh cam kết tăng cường đối thoại và thúc đẩy hợp tác để tận dụng tối ưu những lợi thế về địa lý, con người, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên của Châu Á. Định hướng hợp tác của ACD trong thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy việc đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc nâng cao năng suất trong nông nghiệp, tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo thị trường lương thực ổn định, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Về an ninh năng lượng, hợp tác sẽ tập trung vào nguồn cung chất đốt với giá hợp lý, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng mới và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng năng lượng hiệu quả. ACD sẽ thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu, bao gồm phát triển và chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống thiên tai, đồng thời trao đổi về tiến trình xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Các quốc gia thành viên cũng nhấn mạnh về tính cần thiết phải tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư và thương mại nhằm nâng cao khả năng ứng phó của Châu Á trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro và bất ổn. Hợp tác về tăng cường tính kết nối trong khu vực được coi là lĩnh vực ưu tiên, bao gồm kết nối hạ tầng cứng và mềm, thúc đẩy giao lưu nhân dân. Hội nghị nhất trí thành lập Nhóm công tác về Kết nối khu vực trong ACD để thảo luận về khả năng xây dựng Bản kế hoạch về tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng của ACD. Bên cạnh đó, hợp tác về y tế, phòng chống đại dịch và bệnh truyền nhiễm; thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển Đại học ảo của Châu Á cũng sẽ được quan tâm.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung nêu các định hướng hợp tác và phát triển của ACD trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đưa ra sáng kiến thành lập Chương trình hỗ trợ các dự án phát triển trị giá 2 tỷ đô-la Mỹ dành cho các nước Châu Á không thuộc khối các nước Ả rập để triển khai các dự án phát triển. Cô-oét cam kết sẽ đóng góp 300 triệu đôla Mỹ cho chương trình này. Là thành viên sáng lập của ACD, Việt Nam đã đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác trong ACD. Việt Nam là nước điều phối và đồng điều phối trong hai lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Lê Lương Minh đã phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và tại Hội nghị Thượng đỉnh ACD, nhấn mạnh để đối phó với các thách thức của khu vực và toàn cầu, các nước Châu Á nói chung và các nước thành viên ACD nói riêng cần tăng cường “tính thích ứng” bằng cách phát huy nội lực, đổi mới mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh thương mại khu vực cũng như hợp tác về tài chính; tập trung giải quyết đồng thời ba thách thức có mối quan hệ nhân quả là an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng; tăng cường kết nối hạ tầng “cứng” như giao thông, viễn thông hay hạ tầng “mềm” như thể chế, chính sách và giao lưu nhân dân. Thứ trưởng Lê Lương Minh nêu rõ Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao khả năng thích ứng trước các biến động của kinh tế thế giới, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chiến lược phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh là những chính sách lớn định hướng phát triển trong thời gian tới. Đánh giá ACD là khuôn khổ hợp tác có thể đóng vai trò tích cực hơn nữa trong gắn kết các nước Châu Á, Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong hợp tác của ACD như việc lựa chọn ưu tiên hợp tác, đảm bảo tính liên tục của các chương trình hợp tác, nâng cao hiệu quả điều phối ACD và việc nhân rộng mô hình hợp tác song phương thành công trong ACD.
Hội nghị Thượng đỉnh ACD lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Thái Lan năm 2015./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam