Bác sĩ Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh cho biết: “Hệ thống chăm sóc mắt được phủ đều trên 3 tuyến từ tỉnh đến cơ sở với 58 y, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật và hơn 400 cán bộ y tế xã, y tế thôn bản làm nhiệm vụ chăm sóc mắt ban đầu. Riêng với Trung tâm Chuyên khoa Mắt, với đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và được đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại đã thực hiện được nhiều kỹ thuật phẫu thuật cao mang lại ánh sáng cho người mù và điều trị các bệnh về mắt.”. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn lượt người được khám, điều trị mắt tại cộng đồng; điều trị khúc xạ cho 63.600 người; mổ đục thủy tinh thể cho 3.112 người; mổ quặm cho 986 người và điều trị hàng nghìn ca mắc các bệnh về mắt khác.
Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh thực hiện ca phẫu thuật đem lại ánh sáng cho bệnh nhân mù do đục thủy tinh thể
Thông qua Dự án Phát triển và chăm sóc mắt toàn diện, do Tổ chức Fred Hollows Foundation (FHF) tài trợ đã giúp nhiều đối tượng thuộc diện chính sách và người nghèo bị bệnh đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác được phẫu thuật miễn phí, mang lại ánh sáng cho họ. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2012-2015), với tổng vốn đầu tư hơn 6,2 tỷ đồng, hỗ trợ cho 4 huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm để triển khai các chương trình như: Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ khám và phẫu thuật mắt, đào tạo nguồn nhân lực y, bác sĩ chuyên sâu về mắt, hỗ trợ bệnh nhân nghèo mắc các bệnh về mắt được phẫu thuật miễn phí, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống các bệnh về mắt tại cộng đồng... Từ đầu năm đến nay, thực hiện dự án, Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh đã phẫu thuật miễn phí cho hơn 400 bệnh nhân đục thủy tinh thể, 500 bệnh nhân mổ quặm và hàng nghìn bệnh nhân có nhu cầu thực hiện các kỹ thuật, tiểu phẫu về mắt khác. Dự án còn triển khai chương trình khám khúc xạ học đường cho 46 điểm trường phổ thông thuộc 5 huyện, thành phố; cấp kính miễn phí cho gần 800 học sinh nghèo bị tật khúc xạ. Bên cạnh đó, Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh cũng tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kiến thức chăm sóc và điều trị các bệnh về mắt cho đội ngũ cán bộ y tế xã, y tế thôn bản, y tế học đường về theo dõi và nắm tình hình tại khu dân cư; tuyên truyền hướng dẫn người dân biết giữ gìn và chăm sóc mắt, phát hiện những vấn đề về mắt để trị kịp thời. Cùng với hoạt động tuyên truyền, cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt tại cơ sở của ngành Y tế đã góp phần giúp cho 15.186 lượt người được khám, điều trị các bệnh về mắt tại cộng đồng, từ đó giảm thiểu nguy cơ mù do các bệnh có khả năng phòng, chữa được.
Bác sĩ Phạm Văn Hải cũng cho biết thêm, theo ước tính, hiện toàn tỉnh còn hơn 3.500 người mù do đục thủy tinh thể chưa được phẫu thuật, thêm vào đó trung bình hằng năm phát sinh mới khoảng 300 ca; số quặm tồn đọng trên 700 ca; tỷ lệ mắc tật khúc xạ trên 10%; bệnh võng mạc do đái tháo đường ở người lớn có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, việc tăng cường phòng, chống các bệnh về mắt và giải quyết các ca bệnh tồn đọng luôn là vấn đề cấp bách. Xuất phát từ thực tế đó, Ban chỉ đạo phòng, chống mù lòa tỉnh đã xây dựng Kế hoạch “Phòng, chống mù lòa và chăm sóc mắt giai đoạn 2012-2015” tập trung vào các nội sung: Kiểm soát bệnh đục thủy tinh thể gây mù, khám phát hiện và phẩu thuật đục thủy tinh thể 1000 ca/năm; triển khai chương trình chăm sóc tật khúc xạ, tầm soát khúc xạ trong học đường; thanh toán quặm do bệnh mắt hột trong năm 2013; thí điểm triển khai khám sàng lọc, quản lý, kiểm soát bệnh võng mạc do đái tháo đường; tăng cường đào tạo cán bộ chăm sóc mắt cho các tuyến; phát triển kỹ thuật hạ tầng chăm sóc mắt, phấn đấu đạt mục tiêu “Thị giác 2020”, góp phần giảm tỷ lệ mù lòa, cải thiện tình trạng sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Diễm My