Ngành ngân hàng: Gắn tăng trưởng tín dụng với hỗ trợ vốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(NTO) Trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế suy giảm nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, do chủ động điều hành và linh hoạt các chính sách tiền tệ, tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp hoạt động tín dụng giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp nên hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và có tăng trưởng khá.

Tập trung cho vốn sản xuất,kinh doanh

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 4.945 tỷ đồng, tăng 22,13% so cuối năm 2011, đạt 85,3%; trong đó tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ dân cư chiếm hơn 69%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 6.584 tỷ đồng, tăng 11,88% so với cuối năm 2011 và tăng 18,87% so với cùng kỳ năm trước, đạt 57,5% kế hoạch. Trong đó vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh là 5.964 tỷ đồng, chiếm gần 91%.

 
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng.
Ảnh: Văn Miên

Các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tỉnh đã tiếp nhận 38.850 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng, tăng 2.333 hồ sơ so cùng kỳ năm trước. Đã giải quyết cho vay 38.818 hồ sơ, đạt 99,92%; trong đó khách hàng là doanh nghiệp 2.934 hồ sơ, hộ sản xuất 32.994 hồ sơ, khách hàng khác 2.890 hồ sơ. Đầu tư tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và giảm dần dư nợ cho vay phi sản xuất. Do việc điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng giảm dần nên lãi suất vốn cho vay của các NHTM giảm mạnh, vốn vay ngắn hạn đối với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên giảm xuống tối đa là 13%/năm.

Hoạt động nổi bật của ngành Ngân hàng trong tỉnh thời gian qua đó là tập trung thực hiện nhiều giải pháp tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Sau 5 tháng triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, các NHTM trong tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 218 món, với dư nợ được điều chỉnh, gia hạn gần 201 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30-9, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã điều chỉnh giảm lãi suất cho 25.870 món/2.530 tỷ đồng. Do đó, dư nợ có lãi suất vay 15%/ năm trở xuống chiếm tỷ trọng 94,7% trong tổng dư nợ (tại thời điểm cuối tháng 4-2012, mức lãi suất này chỉ chiếm 4,02%); dư nợ có lãi suất trên 15% chỉ còn 5,3%, chủ yếu là các hợp đồng vay trung và dài hạn lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phi sản xuất, vay cá nhân tiêu dùng trả nợ từ lương. Nhóm NHTM nhà nước tiên phong trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đó là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, Ngân hàng TMCP Công Thương. Ngoài ra, các ngân hàng xem xét giảm lãi vay 19 món với số lãi được giảm là 1,32 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên 14.893 món với doanh số 3.794 tỷ đồng.

Nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra từ đầu năm là huy động vốn tăng tối thiểu 22%, dư nợ tăng 20-22%, từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biện pháp, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội và hoạt động của hệ thống an toàn, hiệu quả theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận.
Ảnh: Duy Anh

Các TCTD trong tỉnh tập trung triển khai các gói tín dụng, với lãi suất thấp để các doanh nghiệp, nhất là 4 nhóm ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay để vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển”. Theo đó các ngân hàng chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, cho vay mới. Trên cơ sở khả năng tài chính, tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay các hợp đồng cũ về mức tối đa là 15%/năm. Đẩy mạnh giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay tiếp cận các chương trình sản phẩm tín dụng đang triển khai. Các TCTD, đi đầu là các NHTM triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh, triển khai 3 gói tín dụng hỗ trợ, với số vốn nhiều tỷ đồng, lãi suất vay từ 9,5-12%/năm cho các lĩnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng TMCP Công Thương tỉnh triển khai 2 gói tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, với 10 sản phẩm như: đi du học, mua nhà ở, phát triển cùng doanh nghiệp, chung tay vượt khó cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ...với lãi suất vay từ 8,95-12%/năm. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giải ngân nguồn vốn 180 tỷ đồng, cho vay nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãi suất từ 11,5-13%/năm. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương cũng triển khai các gói tín dụng cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi tiền đồng Việt Nam và USD, cho 4 lĩnh vực ưu tiên và những ngành có thế mạnh của tỉnh như sản xuất muối, thu mua nông sản, thủy sản.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm đầu mối cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp với Hội Doanh nghiệp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nhiệp vừa và nhỏ và các sở, ngành liên quan trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh và nhu cầu vốn thực sự của các doanh nghiệp để có biện pháp đáp ứng vốn hiệu quả. Kiến nghị tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính trong quan hệ tín dụng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành và các doanh nghiệp tại địa phương tiếp cận các chương trình tín dụng của các TCTD, tích cực giám sát việc triển khai thực hiện của các TCTD.

Việc giảm lãi suất vay hợp đồng tín dụng cũ về mức thấp và tiếp tục triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất giá rẻ của các TCTD nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế và là cơ hội để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tái cơ cấu sản xuất, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để vượt qua khó khăn và đi lên, đóng góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội địa phương.