Cơ hội thu hút khách du lịch

(NTO) “Văn hóa Chăm: Bảo tồn, phát huy và hội nhập” là chủ đề của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm, Ninh Thuận năm 2012 (ngày Hội văn hoá Chăm). Ngày hội sẽ diễn ra ở Ninh Thuận trong các ngày từ 14 đến 16-10, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh... TS. Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch cho biết, ngày hội này là cơ hội để thu hút khách du lịch tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Chăm.

Phóng viên: Ngày hội Văn hóa Chăm - Ninh Thuận sẽ thực sự là một cơ hội quý giá để đẩy mạnh công tác bảo tồn các giá trị văn hóa Chăm. Đồng chí có thể cho biết ngày hội có những nét độc đáo gì?

 
Tháp Pô Klong Garai - điểm du lịch luôn hấp dẫn các du khách. Ảnh: Thanh Long

TS. Phan Quốc Anh: Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất cả nước. Dân tộc Chăm nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Ngày hội Văn hóa Chăm- Ninh Thuận năm 2012 là dịp tôn vinh những nét đặc sắc của văn hóa Chăm. Ngày hội sẽ diễn ra tại 4 địa điểm chính: Khu du lịch Tháp Pô Klong Garai, Sân vận động thôn Hữu Đức, Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc. Về văn hóa, đáng chú ý là thi văn nghệ dân gian Chăm, thi trình diễn trang phục, ẩm thực, triển lãm văn hóa các dân tộc Việt Nam và văn hoá Chăm các vùng miền, tổ chức các trích đoạn lễ hội, thi đấu các môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, thi đội nước, dệt thổ cẩm, thi nặn bình gốm... Đây là các hoạt động mang đậm chất văn hóa dân gian của người Chăm. Cùng với Hội chợ triển lãm Kinh tế, Văn hóa Chăm trên đường hội nhập, điểm nhấn của Ngày hội này là hội thảo về chủ đề Bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm do Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì.

Ngày hội năm nay diễn ra đúng dịp Lễ hội Ka-tê của đồng bào dân tộc Chăm, nên dự kiến sẽ thu hút đông đảo đồng bào, khách du lịch tham dự. Trong dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng hợp tác với các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng trong việc tiếp đón các đoàn khách, xây dựng những tour du lịch với các điểm đến là Tháp Pô Klong Garai, làng gốm Bàu Trúc…

Phóng viên: Ninh Thuận có nhiều thắng cảnh đẹp và có một kho tàng văn hóa Chăm đặc sắc, độc đáo. Song nhiều người cho rằng tỉnh chưa tận dụng khai thác được tiềm năng này để phát triển du lịch. Đồng chí suy nghĩ gì về vấn đề này?

 
Múa quạt - nét văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm trong các ngày lễ hội . Ảnh: Văn Miên

TS. Phan Quốc Anh: Đúng là thiên nhiên đã tạo cho Ninh Thuận nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như: Ninh Chử, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên cùng nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo như: Khu du lịch Nam Cương- Mũi Dinh với hàng trăm ha diện tích đồi cát tự nhiên mang tính đặc trung của Châu Phi; Vườn quốc gia Phước Bình với 513 loài thực vật, 170 loài động vật quý hiếm; Vườn Quốc gia Núi Chúa- nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung Bộ... Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có cả một quần thể về kiến trúc và các lễ hội văn hoá Chăm phong phú, tồn tại nhiều công trình kiến trúc Champa cổ còn nguyên vẹn và gắn với lễ hội của người Chăm. Tuy nhiên, đến nay nhiều tiềm năng vẫn còn ở dạng “nguyên thô”, chưa có điều kiện để phát triển kinh tế du lịch. Nên mặc dù lượng khách du lịch đến với Ninh Thuận đã có bước tiến triển qua các năm, nhưng cả năm 2011 Ninh Thuận cũng mới đạt 820.000 lượt du khách.

Phóng viên: Trong thời gian tới, Ninh Thuận đã có chiến lược như thế nào để khai thác hết tiềm năng du lịch này?

TS. Phan Quốc Anh: Theo Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch được xếp thứ hai trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột, hướng đến mục tiêu “Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai”. Phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2015, tỉnh đón khoảng 1,3 đến 1,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 14 – 15% và đến năm 2020 đón 2,5 đến 3 triệu lượt khách, đóng góp 8% GDP và giải quyết 10% lao động xã hội vào năm 2020. Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, du lịch phải phát triển toàn diện để khai thác tiềm năng, lợi thế bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ du lịch. Du lịch Ninh Thuận trong những năm tới sẽ phát triển theo 3 hướng: đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp; Xây dựng các dịch vụ du lịch có tính chất khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có sự hấp dẫn. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương như: sản phẩm từ nho, thịt cừu, táo, hành tỏi, các sản phẩm làng nghề truyền thống…; Phát triển các loại hình du lịch tích hợp, du lịch cao cấp như xây dựng sân golf, khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao, hình thành các khu du lịch biển và dịch vụ cao cấp để thu hút tầng lớp khách có thu nhập cao, xây dựng các khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, khai thác lợi thế về nắng và gió, bãi biển, bãi cát để phát triển các môn thể thao kết hợp du lịch trên mặt biển, dưới mặt biển, trên cát, trên bãi biển...

Bên cạnh những định hướng cơ bản để phát triển du lịch bền vững, du lịch tỉnh Ninh Thuận cần có sự hợp sức của các ngành, các cấp để quảng bá về đất nước, con người Ninh Thuận, đó chính là thương hiệu “Ninh Thuận”. Khi có thương hiệu, người dân Ninh Thuận ở bốn phương sẽ tìm về, khách bốn phương sẽ tìm đến, tiềm năng, lợi thế mới được đánh thức, du lịch Ninh Thuận mới có cơ hội để cất cánh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !