Trong những năm gần đây, khi những báo động về tình trạng văn hóa đọc của người dân có dấu hiệu xuống cấp, Nhà nước cùng các cấp các ngành đã có nhiều biện pháp nhằm “vực dậy” văn hóa đọc. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, việc xây dựng văn hóa đọc không phải là việc làm “một sớm, một chiều” mà cần thực hiện trong thời gian dài và có sự đồng lòng của chính nhân dân.
Khơi dậy thú đọc sách của trẻ em là một cách phát triển văn hóa đọc bền vững.
Vì sao văn hóa đọc xuống cấp?
Muốn phát triển văn hóa đọc ắt hẳn phải trả lời được câu hỏi này.
Không thể phủ nhận, trong mấy chục năm qua, văn hóa đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo thống kê tại hội thảo khoa học "Văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam", trước năm 1975, cả hai miền Bắc và Nam xuất bản hàng năm chưa được 4.000 tên sách nhưng đến nay toàn quốc đã có 64 nhà xuất bản, với số lượng sách xuất bản xấp xỉ 25.000 tên sách/năm, tăng hơn 6 lần, đạt mức hưởng thụ bình quân 3,2 bản sách/người/năm.
Sự xuất hiện của các thư viện ở khắp toàn quốc từ thư viện tư nhân, thư viện gia đình, thư viện huyện, tỉnh… đã làm phong phú thêm nguồn tài liệu sách, báo phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân.
Ấy vậy mà văn hóa đọc vẫn xuống cấp!
Số liệu thống kê năm 2012 của Thư viện Quốc gia cho thấy, số lượng bạn đọc là 268.938 lượt người, trong đó sinh viên là 187.862 lượt và chỉ lên thư viện đông nhất vào thời gian thi cử.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, việc văn hóa đọc xuống cấp xuất phát từ nhiều nguyên do. Thứ nhất, tại Việt Nam chưa hình thành được chiến lược phát triển văn hóa đọc toàn diện. Thứ hai, sự chênh lệch trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức đọc sách của nhân dân tại các vùng, miền của cả nước còn rất lớn; người dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ít có cơ hội tiếp xúc với sách hơn người dân ở vùng thành thị, đồng bằng. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng khiến người dân “lười” đọc sách hơn.
Không để rộn ràng bề nổi
Thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc trong tương lai sẽ gây ra những hậu quả “khôn lường”. Nhận rõ điều này, các cấp, các ngành trong cả nước đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân đọc sách nhằm nâng cao văn hóa đọc trong nhân dân. Tuy nhiên, các hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc tại Việt Nam mới chỉ rộn ràng ở bề nổi mà thiếu tính bền vững.
Hàng năm, các hội chợ sách được tổ chức nhiều lần ở các thành phố lớn trong cả nước nhưng hầu như người dân chỉ đến xem là chính và mua “chơi’ vài quyển sách. Rất ít người đến hội chợ sách với tâm thế tìm hiểu sách và đọc sách theo đúng nghĩa.
Ở các vùng miền núi, nông thôn, nơi còn gặp nhiều thiếu thốn về sách, mỗi năm cũng có không ít các cá nhân, tập thể hảo tâm tự nguyện tổ chức tặng sách cho bà con. Tuy nhiên, chất lượng các loại sách này ra sao, bà con có đọc được sách hay không thì vẫn còn là một câu hỏi.
Hoạt động xuất bản sách, một trong những hoạt động quan trọng để thúc đẩy văn hóa đọc của nhân dân dù đã có những bước phát triển không ngừng trong những năm qua cũng không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Mặc dù, mỗi năm có hàng nghìn cuốn sách mới được xuất bản tại Việt Nam nhưng số sách hay lại còn khá ít.
Thêm vào đó, biển sách mênh mông thật sự là một thách thức đối với những người đọc khi lựa chọn sách phù hợp với mình. Hoạt động điểm sách hay đã có những bước phát triển nhưng chưa phát huy được hết thế mạnh.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm có đề xuất tổ chức “Ngày hội đọc sách” trên phạm vi cả nước để phát triển văn hóa đọc. Đây là một ý tưởng hay. Tuy nhiên việc tổ chức và duy trì ngày hội như thế nào lại là một câu hỏi lớn. Khi mà những hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam phần lớn còn mang tính chất bề nổi thì việc tìm một hướng phát triển mang tính bền vững mới là điều quan trọng hiện nay. Phát triển văn hóa đọc là việc cần làm, phải làm ngay nhưng phải làm lâu, làm sâu, ấy mới là mấu chốt của vấn đề.
Nguồn Báo Quân đội nhân dân