TP.HCM sẽ mở thêm bốn khu vực trung tâm mới

Ngoài trung tâm thành phố tại khu vực quận 1 như hiện nay, theo quy hoạch xây dựng TP.HCM đến năm 2025, TP.HCM sẽ có thêm bốn trung tâm cấp thành phố nằm ở bốn hướng.

TP.HCM sẽ mở rộng khu đô thị mới Nam thành phố với tổng diện tích 3.000ha - Ảnh IT

Cụ thể, trung tâm phía Đông tại phường Long Trường, quận 9, giáp với trục cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với diện tích khoảng 280ha.

Trung tâm phía Tây tại khu vực giáp Quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 200ha. Tại đây còn có thêm một trung tâm khu vực phụ ở phía Bắc thuộc huyện Hóc Môn với diện tích khoảng 50ha, nhằm đảm bảo bán kính phục vụ và tạo động lực phát triển cho khu vực này.

Trung tâm phía Nam thuộc khu A của khu đô thị mới Nam thành phố, có diện tích khoảng 110ha.

Và trung tâm phía Bắc thuộc khu đô thị mới Tây - Bắc với diện tích khoảng 500ha.

Riêng trung tâm tổng hợp chính của thành phố sẽ có quy mô 930ha, gồm khu nội thành cũ thuộc địa bàn quận 1, quận 3, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh. Ngoài ra, TP.HCM còn mở rộng trung tâm tổng hợp chính mới sang khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 với diện tích 737ha.

Bên cạnh đó, đến năm 2025, TP.HCM cũng hình thành vùng phát triển công nghiệp tại các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, theo hướng di dời các khu công nghiệp ra ngoại thành.

Hệ thống bệnh viện đa khoa, chuyên ngành, trung tâm y tế sẽ được hình thành và phát triển ở cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc thành phố. Khu lịch sử, văn hóa, dân tộc đặt tại phía Bắc, thuộc quận 9 với diện tích khoảng 395ha. Thảo cầm viên, vườn thú được thiết kế tại huyện Củ Chi với diện tích 485ha.

Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, sẽ phát triển đô thị TP.HCM theo hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam.

Hướng Nam tập trung phát triển khu đô thị mới Nam thành phố với quy mô khoảng 3.000ha. Hướng Đông tiếp tục phát triển hạ tầng đô thị trên cơ sở kết nối với các vùng công nghiệp lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai…

Được biết, với quy hoạch này, đến năm 2025, TP.HCM sẽ trở thành đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.

Nguồn : Infonet