Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Đây là phiên họp cuối của UBTVQH trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào sáng 22-10. Phiên họp thứ 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 từ ngày 5 – 9/10; đợt 2 từ ngày 16-18/10 .
Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tại phiên họp này, trong mảng công tác lập pháp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về tờ trình Quốc hội về Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn; cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi).
Ngoài ra, UBTVQH cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng khác, như: Các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013; báo cáo công tác năm 2012 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2012; báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015.
Đồng thời, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số dự án luật gồm: Luật Việc làm, Luật Thủ đô, Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật Đầu tư công. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; việc ban hành Nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài cũng sẽ được thảo luận.
Cũng trong chiều 5/10, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Việc làm.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ, việc làm là mối quan tâm của toàn xã hội, là chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng đối với một đất nước, nhưng đến nay chưa có một luật riêng điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội về việc làm. Vấn đề việc làm được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau, và chủ yếu trong các văn bản dưới luật nên thiếu đồng bộ, chưa có sự thống nhất, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, chính sách, chế tài về việc làm và tạo việc làm cũng chưa đủ mạnh để xóa bỏ mọi rào cản, giải phóng năng lực của mọi người cho phát triển kinh tế-xã hội; chính sách đầu tư, huy động vốn kém hiệu quả đã tác động không nhỏ đến giải quyết việc làm; chính sách thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đô thị hóa đang gây ra thiếu việc làm trầm trọng ở nông thôn... Chính vì vậy, việc xây dựng Luật việc làm là hết sức cần thiết, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần khắc phục các hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc làm, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy, ổn định, bảo đảm việc làm và việc làm bền vững cho người lao động.
Dự thảo Luật Việc làm bao gồm 9 chương và 112 điều. Phạm vi điều chỉnh là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm bao gồm cả việc làm khu vực chính thức, khu vực phi chính thức; việc làm của những người lao động tự do, những người tự làm; việc làm trong và ngoài nước. Luật Việc làm quy định về 7 nhóm vấn đề lớn của việc làm: Phát triển việc làm; Thông tin thị trường lao động; Quản lý lực lượng lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Tuyển, đăng ký sử dụng lao động; Bảo hiểm việc làm.
Thẩm tra dự thảo Luật Việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, Ủy ban thống nhất cơ bản với quan điểm và sự cần thiết phải ban hành Luật Việc làm như Tờ trình của Chính phủ, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương V (Khóa XI) đối với vấn đề việc làm, lao động và quan hệ lao động.
Theo bà Trương Thị Mai, Luật Việc làm có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rất rộng, quy định nhiều nội dung mới so với pháp luật hiện hành. Ngoài ra, nhiều nội dung trong dự án Luật có liên quan với các đạo luật khác thuộc lĩnh vực lao động – việc làm, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thống kê... Do đó, cần rà soát để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Qua thẩm tra Ủy ban về Các vấn đề xã hội cho rằng, mục tiêu quan trọng mà Luật việc làm cần hướng tới là bảo đảm cho mọi người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức có được cơ hội và điều kiện tham gia, tiếp cận một cách công bằng các chính sách lao động - việc làm, được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm đầy đủ trong quá trình xem xét chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, an sinh xã hội đối với người lao động thuộc khu vực phi chính thức. Ban soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi người lao động thuộc các thành phần kinh tế, các chuyên gia, nhà khoa học... để tiếp tục cụ thể hóa các chính sách, hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính khả thi trước khi trình ra Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Luật Việc làm có phạm vi rộng, điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội về việc làm, vì vậy, Luật này cần thu hẹp đối tượng áp dụng. Dự án Luật Việc làm chỉ nên tập trung vào điều chỉnh việc làm của nhóm lao động chính thức và nhóm lao động phi chính thức trong nước. Còn nhóm lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhóm lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã quy định trong Bộ luật Lao động và nhóm này nếu đưa vào dự án Luật Việc làm cũng không phù hợp.
Đồng tình với quan điểm trên, đa số các thành viên của UBTVQH cho rằng Luật Việc làm nên thu hẹp đối tượng áp dụng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến về vấn đề bảo hiểm việc làm (BHVL), hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chính sách bảo hiểm việc làm là sự phát triển của bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, do đó, chỉ cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ duy trì việc làm trong Luật Bảo hiểm xã hội. Loại ý kiến thứ hai đồng ý với việc quy định chính sách bảo hiểm việc làm thay cho bảo hiểm thất nghiệp với mục tiêu mở rộng hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thể hiện sự tiến bộ, ưu việt hơn so với chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành và quy định trong Luật Việc làm để tạo sự kết nối trong mục tiêu và quá trình hướng tới việc làm bền vững.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần hết sức cân nhắc có nên đổi tên bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thành BHVL vì tính chất của BHVL vẫn chủ yếu là giải quyết chính sách thất nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 80 quốc gia đang thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, rất ít quốc gia thực hiện chính sách bảo hiểm việc làm. Kinh nghiệm của Hàn quốc cho thấy, bảo hiểm việc làm chỉ nên áp dụng ở những nước có điều kiện kinh tế phát triển, để chính sách bảo hiểm việc làm mang tính khả thi cần phải có tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức cao và hệ thống đào tạo nghề, dịch vụ việc làm đã phát triển.
Cho ý kiến về phát triển kỹ năng nghề, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nêu quan điểm, phát triển kỹ năng nghề là việc hoàn thiện khả năng làm việc của người lao động trên cơ sở nghề đã được đào tạo hoặc tích lũy kinh nghiệm làm việc trong thực tiễn nhằm giúp cho người lao động nâng cao năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của thị trường lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế... Vì vậy, không nên quy định nội dung phát triển kỹ năng nghề trong dự án Luật Việc làm vì trong Luật Dạy nghề đã có 4 điều quy định tại Chương IX. Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, nếu cần thiết thì xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này trong Luật Dạy nghề..
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam