Gia tăng tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản trên địa bàn TP. Phan Rang – Tháp Chàm, nhìn từ nguyên nhân xã hội

(NTO) Thời gian qua, trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm xảy ra nhiều vụ cướp giật, trộm cắp tài sản. Thủ đoạn không mới, nhưng hoạt động của loại tội phạm này khá lộ liễu, manh động, khiến không ít người dân lo ngại. Điều đáng nói là các đối tượng gây án chủ yếu nằm trong lứa tuổi thanh- thiếu niên. Đằng sau sự gia tăng và “trẻ hóa” các loại tội phạm này là những nguyên nhân xã hội không thể xem nhẹ.

Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Lê Minh Cơ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Tp.Phan Rang – Tháp Chàm cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 149 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, đa số là các loại tội phạm cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp… Thông thường, bọn chúng “đi dạo” bằng xe máy thành một, hai cặp dọc các tuyến đường, khi phát hiện ai sơ hở thì ra tay. Loại tài sản mà những đối tượng thường nhắm đến là trang sức bằng vàng, giỏ xách, điện thoại di động, xe gắn máy, xe đạp điện, máy tính xách tay,…

Tội phạm thuộc lứa tuổi thanh- thiếu niên đang có chiều hướng gia tăng.

Tài sản bọn chúng cướp giật được mang bán lấy tiền xài. Vậy ai tiêu thụ và tiêu thụ ở đâu? Việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm cố tài sản, tiệm vàng,… chưa thật chặt chẽ là một trong những điều kiện thuận lợi cho tội phạm tiêu thụ tài sản trộm cắp, cướp giật. Thực tế, việc trao đổi, mua bán, cầm cố các loại tài sản như vàng, máy tính xách tay, điện thoại,… được thực hiện mà không cần bất cứ loại giấy tờ nào chứng nhận chủ sở hữu. Riêng đối với xe gắn máy là loại tài sản có giấy tờ thì một số cửa hàng kinh doanh vẫn chấp nhận trao đổi, cầm cố, thậm chí mua bán mà không yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ hợp lệ. Đối với những trường hợp này, thông thường chủ kinh doanh sẽ “ép giá” tài sản xuống mức thấp, còn “khách hàng” vì muốn mau tẩu tán tài sản bất chính nên dễ dàng chấp nhận, dù mức giá ấy thấp hơn giá trị thật của tài sản. Tại một phiên tòa sơ thẩm lưu động đầu tháng 9, xét xử 2 đối tượng cướp giật tài sản, nhiều người thắc mắc về sự chênh lệch quá lớn trong việc mua bán tài sản do phạm tội mà có. Hai đối tượng Phạm Thao và Hồ Văn Nhớ (cùng ngụ xã Phước Hải – Ninh Phước) hai lần bán hai sợi dây chuyền vàng 18K cướp giật được cho cùng một tiệm vàng được tổng số tiền 6.400.000 đồng (mỗi lần bán được 3.200.000 đồng), trong khi tổng giá trị thật của chúng được cơ quan điều tra xác định là 13.680.000 đồng. Dù biết hay không biết nguồn gốc 2 sợi dây chuyền vàng đó thì một điều dễ nhận thấy là lợi nhuận mà chủ tiệm vàng có được từ hoạt động mua bán kiểu này quả là không nhỏ.

Một trong những vấn đề cũng cần quan tâm là việc quản lý về tạm trú, tạm vắng tại khu dân cư hiện nay còn khá “dễ dãi”, cũng góp phần tạo cho những phần tử xấu ẩn náu. Hầu hết các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp CMND khi lưu trú.

Bản thân các đối tượng phạm tội đa phần có trình độ học vấn thấp, thậm chí có không ít trường hợp không biết chữ. Bỏ học sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật còn hạn chế,… là những yếu tố tác động nhiều đến tâm lý, hành động của những đối tượng này, làm nảy sinh sự tự ti, mặc cảm, dần tách mình khỏi cộng đồng dân cư nơi cư trú, dễ bị các phần tử xấu rủ rê, lôi kéo tham gia các hành vi vi phạm pháp luật. Một yếu tố xã hội khác không thể không nhắc tới chính là sự ảnh hưởng của các trò chơi điện tử, phim ảnh,… trên mạng Internet, có nội dung bạo lực, kích động đã tiêm nhiễm vào các thanh- thiếu niên những hành vi, cách cư xử kiểu “xã hội đen”.

Trong khi đó, nhiều người dân chưa mạnh dạn trong đấu tranh tố giác tội phạm, khiến bọn chúng ngày càng “lộng hành”, nghĩ ai cũng sợ mình. Thiếu tá Lê Minh Cơ cho biết thêm: “Do tâm lý sợ trả thù, cộng với các chế độ, chính sách bảo vệ đối với người làm chứng, người cung cấp thông tin chưa nhiều, khiến người dân e ngại khi đứng ra đấu tranh công khai với các loại tội phạm. Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn tố giác tội phạm, trong đó có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực cho công tác điều tra, trấn áp.”

Từng bước hạn chế các yếu tố tác động từ xã hội, tức là giảm thiểu sự tác động không tốt của cộng đồng đến các đối tượng nằm trong nhóm “nguy cơ” trên từng địa bàn, từng thời điểm là điều cần thiết. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cụm dân cư và mỗi tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội không nên đứng ngoài cuộc, mà phải chung tay góp sức mới đạt được hiệu quả. Một nền tảng giáo dục vững chắc tại gia đình và nhà trường; sự quan tâm của các hội, đoàn thể tại khu dân cư; các chính sách giới thiệu, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động cùng với việc xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” sâu rộng là những yếu tố quan trọng góp phần hạn chế gia tăng tội phạm, đặc biệt là loại tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản.