"Đã rất nhiều dịp, trong chuyên mục này (chuyên mục "Góc nhìn thế giới" trên tuần báo La Razon), đề cập các vấn đề của thế giới hiện nay, tôi đã bày tỏ sự ngưỡng mộ bất tận đối với nhân dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi có thể chân thành nói rằng tôi sẽ không ngừng viết về điều này và không bao giờ tôi ân hận vì điều đó.
Chủ tịch ĐCS Venezuela Jeronimo Carrera đọc Báo ảnh Việt Nam tại trụ sở đảng
ở thủ đô Caracát. (Ảnh chụp tháng 12-2004). Ảnh: Tư liệu
Quốc gia châu Á này được biết đến trong thời kỳ thực dân là “Đông Dương thuộc Pháp”, đã hiến dâng cho nhân loại một bài học mẫu mực không chỉ về khía cạnh chính trị mà còn nhiều điều khác. Chúng ta không chút ngờ vực về phẩm chất nổi trội của các nhà lãnh đạo, nhất là về đạo đức của họ mà chúng ta có thể nói là đáng kinh ngạc.
Tất cả những điều đó xuất hiện trong tâm trí tôi vào lúc này, vì tôi vừa có vinh dự và trân trọng đàm thoại với Đại sứ mới của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngài Ngô Tiến Dũng, tại Caracát. Sau khi trình Quốc thư lên Chính phủ Venezuela, Đại sứ Dũng đã đến thăm các đồng chí của Đảng Cộng sản Vênêxuêla tại tòa nhà lịch sử Cantaclaro của chúng tôi.
Cùng đi với Đại sứ còn có một nhân vật đặc biệt, một người Việt Nam nhưng đậm chất Venezuela, đồng chí Tô Ngọc Thạch, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam và cũng là một người bạn của tôi. Ngoài ra, đến thăm chúng tôi có một anh bạn trẻ Việt Nam nữa - một người có kiến thức quốc tế sâu rộng, bởi được đào tạo tại nhiều quốc gia và biết nhiều ngoại ngữ.
Trong rất nhiều dịp tôi đã viết rằng chỉ có thể có được điều kỳ diệu mang tên 'Việt Nam' là nhờ sự xuất hiện của một trong những nhân vật xuất chúng của nhân loại. Người đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969). Hơn cả một vị lãnh tụ chính trị, Người là một nhà tiên tri, một người dẫn đường, một người thầy. Tất cả những phẩm chất đó hội tụ nên một con người không ai sánh được.
Một điều mà tôi cho là kỳ diệu nữa, đó là những phẩm chất của Người đã được cả một dân tộc noi theo. Vì thế, ngay cả sau khi Người qua đời, đất nước của Người vẫn tiếp tục tiến lên. Trong gần nửa thế kỷ, điều diệu kỳ đó đang chuyển hóa quốc gia này thành một nước công nghiệp với một giai cấp công nhân sẵn sàng đảm đương việc lãnh đạo đất nước.
Việt Nam -đất nước mà tôi đã đến thăm trong thập kỷ 1960 đầy khó khăn, trong cuộc chiến tranh giải phóng chống đế quốc Mỹ- dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã trở thành đất nước kiểu mẫu, một hình mẫu vô cùng giá trị đối các nước Mỹ Latinh, trong đó có Venezuela chúng ta.
Ở bán cầu này hầu như không ai biết được hết tên của các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày nay. Nhưng họ không chỉ là những người thừa kế, mà còn là những người kế tục sự nghiệp của Bác Hồ và của nhóm các nhà lãnh đạo bên cạnh Người. Tôi đã có dịp quen biết họ tại Hà Nội, trong đó có Tướng Giáp lừng danh và nhà thơ Tố Hữu.
Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nói rằng cách đây vài ngày tôi đã có một trải nghiệm thú vị liên quan đến Việt Nam: Thân nhân của một người bạn thân của tôi, Miguel Urosa, một giảng viên đại học người Venezuela đã qua đời, vừa gửi lại tôi một nhạc cụ Việt Nam mà tôi đã tặng anh trước đó. Đó là cây đàn tỳ bà. Cây đàn này là do các đồng chí Venezuela mang từ Việt Nam sang Praha cho tôi. Đó là những đồng chí đáng nhớ: “Fernando” (Trung úy Nicolas Hurtado), “Contreras” (bác sĩ Emigdio Cañizales Guédez), cả hai đã qua đời cách đây vài năm, và hai nhà cách mạng Venezuela hiện nay là “R. Ariza (Juan Vicente Cabezas) và “Napoleon” (Angel Suzarini)".
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN