Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam*

Ngày 27/9, tại Tp Hồ Chí Minh đã chính thức khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng. Báo điện tử Ninh Thuận xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này tới bạn đọc và kiều bào ta ở nước ngoài.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Thưa các vị lãnh đạo và các vị đại biểu, khách quý!

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao sự có mặt của các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí và các bạn tại buổi gặp gỡ có ý nghĩa quan trọng này. Sự có mặt của quý vị là biểu hiện sinh động ý chí và nguyện vọng của hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cùng nhau đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về quê hương đất nước.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất năm 2009 đã thành công tốt đẹp với sự tham gia của đông đảo bà con kiều bào đại diện cho các tầng lớp, thế hệ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương trong cả nước. Hội nghị đã được nghe nhiều tham luận và ý kiến phát biểu thẳng thắn, xây dựng đầy tình cảm và trách nhiệm đối với đất nước đã cho thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh sinh động về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vừa chia sẻ những bài học thành công, vừa chỉ ra những mặt còn hạn chế và kiến nghị các giải pháp thiết thực nhằm tạo động lực và bước đột phá cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới.

Kể từ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đến nay, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động, nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng phục hồi chậm và còn nhiều diễn biến phức tạp, đã tác động lớn đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động, sáng tạo của toàn dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quản lý có hiệu quả của Nhà nước, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đã đạt được những thành tựu quan trọng; lạm phát được kiềm chế và từng bước giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực. Chính trị - xã hội tiếp tục ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện, văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh, quốc phòng được giữ vững, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đại hội lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2011 được tổ chức thành công. Đại hội đã đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), làm rõ hơn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm 2011 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ cho 5 năm 2011 - 2015.

Trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, những thành tựu đạt được vừa qua càng có ý nghĩa to lớn, thể hiện ý chí, quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của cả dân tộc ta, là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" để cùng nhau nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, hội nhập vững chắc hơn vào xã hội nơi cư trú và hướng về quê hương đất nước. Tích cực tham gia vào các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội trọng đại của đất nước; hoạt động từ thiện, nhân đạo, chia sẻ với đồng bào gặp khó khăn ở trong nước, ủng hộ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo. Nhiều ý kiến của kiều bào đã đóng góp tích cực vào các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền của đất nước. Những tình cảm và nghĩa cử ấy thể hiện rõ tình nghĩa "đồng bào" và quan điểm "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam" của Đảng và Nhà nước ta.

Nhận thức sâu sắc rằng hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn lực quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là cầu nối quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam. Với nhận thức đó, từ trước đến nay Đảng và Nhà nước ta luôn rất quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Từ sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đến nay, nhiều chủ trương, chính sách tiếp tục được ban hành hoặc sửa đổi, hoàn thiện mới, đáp ứng quyền lợi thiết thân của kiều bào. Công tác vận động kiều bào được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, giúp bà con ngày càng gắn bó với đất nước. Tuy nhiên, so với nhu cầu, mong mỏi của bà con kiều bào cũng như yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước trong tình hình mới, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thực tế thời gian qua cho thấy, kiều bào ở một số nơi vẫn chưa thực sự có cuộc sống bảo đảm, địa vị pháp lý chưa ổn định; nhu cầu về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, trong đó có việc duy trì tiếng Việt đang trở nên hết sức cấp thiết; công tác xây dựng và phát triển hội đoàn gặp không ít khó khăn, tính gắn kết ở một số khu vực cộng đồng không cao; một bộ phận nhỏ kiều bào do thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch nên còn có những lời nói, việc làm đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và dân tộc. Nhiều chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào, như vấn đề quốc tịch, đầu tư kinh doanh, mua và sở hữu nhà... còn có những vướng mắc trong quá trình triển khai và còn thiếu những chính sách, biện pháp cụ thể để kêu gọi và tạo điều kiện hỗ trợ cho trí thức kiều bào về làm việc ở trong nước.

Thưa quý vị đại biểu!

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Vận hội và thách thức đòi hỏi phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định: "Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước". Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhằm động viên và phát huy hơn nữa các nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, tôi đề nghị Hội nghị lần này cần tập trung vào các nội dung sau :

Thứ nhất, cần đánh giá một cách đầy đủ và sát thực hơn về tình hình và xu hướng phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, về hiệu quả của các chủ trương, chính sách đối với kiều bào, đặc biệt là từ sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, xác định chiến lược xây dựng cộng đồng tham gia với Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác này, từ đó xây dựng các chương trình, đề án vận động cộng đồng trước mắt và lâu dài.

Thứ hai, trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ và xây dựng trong thảo luận, tập trung làm rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng, định hướng trong xây dựng và phát triển cộng đồng trong mối liên hệ với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.

Thứ ba, cần xác định Hội nghị lần này là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, là diễn đàn để các đại biểu cùng thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân và hội nhập quốc tế của đất nước mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đề ra.

Tôi mong rằng các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận một cách thẳng thắn trên tinh thần xây dựng; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương cần chú ý lắng nghe với thái độ hết sức cầu thị để thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, tiếp thu những ý kiến đóng góp phù hợp để đưa ra những phương hướng, giải pháp thiết thực, khả thi nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề còn tồn tại, qua đó đẩy mạnh hơn nữa công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Thưa các vị khách quý và các quý vị đại biểu,

Sự có mặt đông đảo các đại biểu kiều bào hôm nay cho thấy đồng bào ta ở nước ngoài luôn quan tâm đến và mong muốn đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi xin bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm và tâm huyết của bà con đối với đất nước. Tôi kêu gọi tất cả đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, yêu nước, chung sức chung lòng cùng nhau đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Với tinh thần đó, tôi xin chúc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai thành công tốt đẹp; chúc các vị đại biểu, các vị khách quý sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

(*) Đầu đề của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam