Các mô hình công nghệ khai thác – tuyển quặng hiện đang sản xuất thường tập trung vào việc thu hồi khoáng vật nặng (KVN) phù hợp với quặng giàu mỏ có quy mô nhỏ và trung bình, chưa tận thu hết tài nguyên. Trong khi đó, phần lớn tài nguyên titan Việt Nam nằm ở các mỏ có quy mô tập trung, nhưng hàm lượng không cao, chiều dày tầng chứa quặng lớn, do vậy cần phải đổi mới trong công nghệ, thiết bị khai thác cho phù hợp.
Nước ta có nguồn tài nguyên titan khá phong phú, phân bố rộng trên nhiều vùng lãnh thổ, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là vùng Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận). Theo tài liệu hiện có, tổng trữ lượng và tài nguyên sa khoáng titan - zircon trong tầng cát vàng, cát xám khoảng 40 triệu tấn có ích, trong đó khoảng 36 triệu tấn khoáng vật titan, 3,5 triệu tấn zircon, còn lại các khoáng vật khác. Tài nguyên titan – zircon trong tầng cát đỏ dự tính đạt khoảng 510 - 520 triệu tấn KVN có ích, trong đó tài nguyên cấp 333 đạt khoảng 150 triệu tấn, hàm lượng KVN có ích trung bình khoảng 0,65%, trong đó hàm lượng zircon chiếm 15-20% tổng số KVN có ích.
Từ năm 2006 đến nay, trung bình hàng năm các đơn vị sản xuất titan trong cả nước khai thác và xuất khẩu khoảng 600 ngàn tấn quặng tinh ilmenit. Cả nước hiện có nhiều công ty khai thác-tuyển quặng titan với nhiều mô hình, quy mô, công nghệ, thiết bị khác nhau. Trước đây thường khai thác quặng từ mỏ với hàm lượng 3-4% KVN trở lên.
Theo các kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, cần quan tâm đến hoạt động khai thác titan - Zircon vùng ven biển tỉnh ta do nhiều nguyên nhân:
Trước tiên, việc khai thác và chế biến quặng titan sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và hệ sinh thái xung quanh khu vực. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế xã hội của dân cư xung quanh cũng sẽ chịu những tác động tiêu cực nếu việc khai thác thiếu những giải pháp quản lý tổng hợp và hợp lý.
Thứ hai, công nghệ khai thác và tuyển quặng titan đang áp dụng tại Việt Nam là công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu thụ nhiều tài nguyên và sản sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường khu vực khai thác và khu vực lân cận.
Thứ ba, các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường của doanh nghiệp chủ yếu là giải pháp xử lý “cuối đường ống”, tức là nhằm vào việc xây dựng các hệ thống xử lý như là một chốt chặn cuối cùng trước khi nước thải, bụi được thải ra môi trường. Điều này tuy đáp ứng được việc tuân thủ xả thải nhưng lại là giải pháp không bền vững, có thể gây ra những tác động tiêu cực khó lường đến môi trường và cộng đồng dân cư trong tương lai. Công tác quản lý các đơn vị khai thác và chế biến quặng titan còn gặp nhiều khó khăn do chưa có công cụ quản lý theo công nghệ GIS (Geographic Information System).
Do đó, cần thiết phải có một đánh giá tác động môi trường (ĐTM) một cách tổng thể về việc khai thác và tuyển quặng titan tại tỉnh ta với sự kết hợp giữa các phương pháp đánh giá hiện đại của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) xây dựng và đánh giá điều kiện tự nhiên, con người Ninh Thuận và đặc biệt là công nghệ khai thác và tuyển quặng hiện đang áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường của những dự án khai thác và chế biến quặng titan còn nặng tính lý thuyết, chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi gây ra nguồn ô nhiễm.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước đối với những doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng titan hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện “thủ công”. Do đó cần thiết phải có một bản đồ số hóa được tích hợp các thông tin của các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng titan-zircon để việc quản lý được thuận lợi hơn, giúp xác định nhanh chóng các “đối tượng tác động xấu môi trường” cũng như có thể ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội trong tương lai.
Phạm Châu Hoành