Thể lệ hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ II (năm 2012 – 2013)

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

Hội thi được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội thi còn nhằm tuyển chọn các giải pháp kỹ thuật tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Điều 2. Các cơ quan tổ chức và phối hợp thực hiện

Hội thi do Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là cơ quan thường trực Hội thi.

Các cơ quan phối hợp: Hội Nông dân, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, báo Ninh Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải.

Điều 3. Lĩnh vực dự thi.

1. Lĩnh vực Công nghiệp

Sản xuất mới, cải tiến công nghệ các máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất và đời sống, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất;

Các phương pháp về cơ khí hóa nông nghiệp nông thôn, bảo quản chế biến các loại nông sản, thực phẩm;

Các phương pháp phục vụ cải tạo và nâng cấp mạng lưới điện, nước, giao thông và các ngành khác.

2. Lĩnh vực nông nghiệp

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, động vật, công tác thú y và các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch;

- Các giải pháp tăng năng suất, tăng hiệu quả cạnh tranh các loại cây trồng, vật nuôi, các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.

- Các giải pháp về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường về nguồn lợi biển, thủy sản, chú ý về khai thác và nuôi trồng, chế biến thủy sản, quản lý thủy sản sau thu hoạch.

- Các giải pháp về phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng.

3. Lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo

- Đồ chơi phục vụ cho nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em và đồ dùng, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học;

- Phương pháp quản lý đào tạo, giáo dục và giảng dạy, đào tạo nghề cho nông thôn …

4. Lĩnh vựv Y tế, bảo vệ sức khỏe

- Cải tiến, chế tạo và ứng dụng các trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe;

- Phương pháp phòng và trị bệnh.

5. Lĩnh vực môi trường

- Các giải pháp thu gom, tái chế, xử lý các chất thải trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, y tế, sinh hoạt;

- Các công nghệ xử lý chất thải, các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên;

- Các giải pháp chống biến đổi khí hậu, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

6. Lĩnh vực xây dựng – giao thông – thủy lợi

- Các giải pháp thi công các công trình xây dựng dân dụng, công trình giao thông an toàn, tiết kiệm, hiệu quả;

- Các giải pháp sử dụng vật liệu, kết cấu mới trong xây dựng giao thông…

7. Lĩnh vực công nghệ thông tin

- Các chương trình phần mềm phục vụ cho quản lý hoặc giải quyết các vấn đề kỹ thuật của những lĩnh vực khác nhau;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước và trong sản xuất kinh doanh.

8. Lĩnh vực Tổ chức và quản lý

- Các giải pháp tổ chức và quản lý kỹ thuật, quản lý Nhà nước, phục vụ - quản lý Nhà nước mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, trật tự an ninh xã hội, chống lãng phí, chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm….

Điều 4. Đối tượng dự thi.

1. Cá nhân đứng tên dự thi

Mọi công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận, cá nhân người nước ngoài đang làm việc và sống tại Việt Nam không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp …là người tạo ra giải pháp/đề tài khoa học (tác giả của giải pháp/đề tài khoa học) hoặc tạo ra giải pháp/đề tài khoa học khi thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức giao phó và được tổ chức đó cho phép bằng văn bản đứng tên dự thi với tư cách cá nhân.

2. Tổ chức đứng tên dự thi

Mọi cơ quan, đơn vị là tổ chức kinh tế - xã hội, hoạt động theo pháp luật Việt Nam tại Ninh Thuận đều có quyền đứng tên đăng ký dự thi với tư cách là tác giả của giải pháp/đề tài khoa học.

3. Mỗi cá nhân, tổ chức có thể tham gia nhiều giải pháp dự thi.

Điều 5. Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi.

Công trình dự thi được đánh giá theo 3 tiêu chuẩn sau:

1. Tính mới so với trình độ khoa học, kỹ thuật hiện có ở Việt Nam/Ninh Thuận.

2. Có khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện kinh tế - xã hội, kỹ thuật của Việt Nam ở các mức độ: Giải pháp dự thi đã được áp dụng hoặc đã được thử nghiệm (sản xuất thử) hoặc chứng minh được khả năng áp dụng có hiệu quả.

3. Mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn so với giải pháp/đề tài khoa học tương tự đã biết ở Việt Nam, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, điều kiện sống, làm việc của con người và an toàn xã hội.

Điều 6. Hồ sơ dự thi.

Mỗi giải pháp/đề tài khoa học dự thi phải làm 03 bộ hồ sơ dự thi gồm có:

1. Phiếu đăng ký dự thi theo mẫu quy định của Ban tổ chức.

2. Tên đề tài/giải pháp dự thi (ghi như tên đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi).

- Mô tả đề tài/giải pháp đã biết (nếu có), mô tả ngắn gọn các đề tài/giải pháp đã biết trước ngày tạo ra đề tài/giải pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm cần khắc phục của đề tài/giải pháp đó.

- Mô tả đề tài/giải pháp dự thi, thuyết minh tính mới của đề tài/giải pháp dự thi, mô tả ngắn gọn, nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của đề tài/giải pháp dự thi. Đặc biệt, cần nêu rõ đã khắc phục nhược điểm nào, sáng kiến cải tiến những chi tiết nào của đề tài/giải pháp đã biết (nếu có) hoặc những sáng tạo hoàn toàn mới.

- Khả năng áp dụng được chứng minh thông qua các hợp đồng chuyển giao, hợp đồng sản xuất thử, hợp đồng bán hoặc hóa đơn bán hàng.

- Lợi ích kinh tế - xã hội của giải pháp dự thi được đánh giá bằng cách so sánh với những đề tài/giải pháp tương tự đã biết. Cần nêu rõ những chỉ tiêu kinh tế mà đề tài/giải pháp dự thi mang lại cao hơn đề tài/giải pháp đã biết hoặc nêu rõ những khiếm khuyết đã được khắc phục của những đề tài/giải pháp đã biết mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh xã hội.

- Bản mô tả đề tài/giải pháp có thể kèm theo bản vẽ, sơ đồ, hình ảnh có tính toán minh họa.

3. Toàn văn đề tài/giải pháp dự thi.

Cần nêu cụ thể quá trình từ khi thực hiện đến khi hoàn thành đề tài/giải pháp. Các tác giả có thể gửi kèm theo mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ và các tài liệu liên quan (nếu thấy cần thiết). các tài liều cần trình bày rõ ràng, không tẩy xóa.

4. Bản nhận xét, đánh giá của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc Hội đồng Khoa học của đơn vị, ngành, địa phương. Kèm theo bản nhận xét này phải có biên bản ghi nhận kết quả thử nghiệm, đánh giá hoặc chứng cứ xác thực sản xuất đại trà (nếu có).

Điều 7. Nơi nhận hồ sơ dự thi.

- Đăng ký và nộp hồ sơ từ ngày công bố Thể lệ Hội thi 20/7/2012 đến 30/7/2013.

- Địa chỉ đăng ký và nộp hồ sơ:

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận

Số 34 đường 16 tháng 4, thành phố Phan Rang – Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Điện thoại: 0683.825568; Fax: 0683.822726.

 

- Hồ sơ dự thi sẽ không trả lại. Riêng sản phẩm hoặc mô hình sẽ trả lại sau khi Hội thi kết thúc nếu người dự thi yêu cầu.

Điều 8. Giải thưởng

- Giải nhất: 15.000.000 đồng

- Giải nhì: 10.000.000 đồng

- Giải ba: 7.000.000 đồng

- Giải khuyến khích: 3.000.000 đồng.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận

Số 34 đường 16 tháng 4, thành phố Phan Rang – Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Điện thoại: 0683.825568; Fax: 0683.822726.

Ban tổ chức Hội thi cũng có các phần thưởng dành cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Hội thi, cá nhân và đơn vị tích cực tham dự và có nhiều giải pháp dự thi đem lại hiệu quả cao. Các tác giả đoạt giải cao và các cá nhân có thành tích đặc biêt suất sắc trong tuyên truyền, vận động, phổ biến Hội thi sẽ được Ban tổ chức đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen.

Điều 9. Bảo hộ sỡ hữu trí tuệ

Việc tham gia Hội thi không thay thế cho việc bảo hộ sở hữu công nghiệp

Các giải pháp đủ điều kiện bảo hộ sở hữu công nghiệp sẽ được hướng dẫn đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Điều 10. Điều khoản thi hành

Thể lệ này đã được Ban Tổ chức Hội thi xem xét, thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa hợp lý thì Ban Tổ chức tổng hợp, xem xét, sửa đổi phù hợp với thực tế.