Cần chủ động ứng phó với bão, lũ

(NTO) Những trận mưa lớn kéo dài tại tỉnh ta trong những ngày vừa qua đã hình thành một đợt lũ nhỏ đầu tiên của mùa mưa, bão năm 2012. Cùng với sự biến đổi của khí hậu, tình hình diễn biến mưa lũ, thiên tai còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Từ tình hình trên cho thấy, cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt lũ lớn những năm trước, chúng ta cần nâng cao cảnh giác tiếp tục có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, sẵn sàng chủ động đối phó trong mùa mưa bão. Trước mắt cần tập trung vào một số biện pháp sau: 

 
 
 Chính quyền xã An Hải (huyện Ninh Phước) chuẩn bị phương tiện cứu hộ sẵn sàng ứng phó với bão lũ.
Ảnh: Sơn Ngọc

Một là, nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác dự báo thời tiết. Chúng ta không thể phủ nhận, trong mấy năm gần đây, do ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự phối hợp với một số Đài khí tượng thuỷ văn một số nước trong khu vực, công tác dự báo thời tiết, dự báo bão có những tiến bộ vượt bậc. Chúng ta đã phát hiện và thông tin kịp thời, chính xác và giám sát được những cơn bão từ khi mới hình thành trên biển Đông, cho đến khi cơn bão tan. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp, bão và áp thấp nhiệt đới ở xa thì dự báo chính xác, nhưng khi bão vào gần và sát đất liền thì độ chính xác của dự báo càng giảm đi.

Hai là, cần nâng cao hơn nữa công tác thông tin truyền thông đến các tầng lớp nhân dân trước và sau khi thiên tai, lũ lụt xảy ra. Đối với những tàu thuyền đánh cá trên biển, ngoài những phương tiện thông tin thông thường, họ còn có máy bộ đàm để nhận được thông tin về dự báo thời tiết của mạng lưới thông tin ven biển của ngành hàng hải. Đó là những phương tiện rất tốt để tiếp nhận các nguồn thông tin. Tuy nhiên hiệu quả của việc thông tin này cần được phát huy tác dụng cao nhất.

Ba là, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt các cấp duy trì thật tốt năng lực và hiệu quả của công tác điều hành trong mọi tình huống. Bắt đầu vào mùa mưa bão, tất cả phải có người trực 24/24. Công tác thực hiện “bốn tại chỗ”, phải được chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu đặt ra và phải được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Các phương án, phòng chống bão lụt, cứu nạn, cứu hộ của mỗi địa phương phải được luyện tập và hoàn chỉnh, để đối phó có hiệu quả mọi tình huống xảy ra.

Bốn là, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, phải thường xuyên quán triệt cho các thành viên trong tổ chức của mình và tuyên truyền giáo dục, thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân có ý thức và tinh thần trách nhiệm trước sự diễn biến khôn lường của thời tiết, bão lũ.

Chúng ta cần chuẩn bị mọi điều kiện, chủ động đối phó có hiệu quả các đợt mưa lũ sắp tới, nhằm giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.