Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo điều tra công bố ngày 12-9 của Viện chính sách kinh tế (EPI), cho biết nếu năm 1962, thu nhập của thiểu số 1% những người giàu nhất ở Mỹ gấp 125 lần thu nhập của các gia đình trung bình thì đến năm 2010 mức chênh lệch này đã gấp hơn 288 lần. Hầu hết thu nhập của các hộ gia đình trung lưu ở Mỹ đều giảm trong các thập kỷ gần đây. Thu nhập của các hộ gia đình trung bình ở Mỹ năm 1983 vào khoảng 73.000 USD/năm, đến năm 2010 con số này chỉ còn 57.000 USD. Trong khi đó thu nhập của thiểu số những người giàu nhất trong cùng thời kỳ này đã tăng 9,6 triệu USD lên 16,4 triệu USD. Sự gia tăng cách biệt này chủ yếu là do giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng cộng với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và sự đổ vỡ của thị trường nhà đất.
Hậu quả của cuộc đại khủng hoảng 2007-2009 cũng là nguyên nhân làm gia tăng sự chênh lệch này, với thu nhập của thiểu số 1% hộ gia đình giàu có giảm 15,6% trong khi thu nhập của người trung lưu lại giảm tới 47,1%. Người da đen và gốc Latinh là nhóm người bị tác động mạnh nhất của cuộc đại suy thoái. Thu nhập ròng của một hộ gia đình da đen chỉ còn khoảng 4.900 USD và hộ gia đình gốc Latinh giảm tới 86,3%, trong khi thu nhập trung bình của một hộ gia đình da trắng là 97.000 USD. Trong 40 năm, từ 1970 đến 2010, thu nhập của thiểu số những người giàu có nhất tăng từ mức chỉ chiếm 27% tổng thu nhập của người Mỹ lên 46%, trong khi thu nhập của tầng lớp trung lưu giảm từ 62% xuống 45% trong cùng thời gian này. Do thu nhập giảm, số lượng gia đình trung lưu ở Mỹ năm 2011 chỉ còn chiếm 51% tổng dân số so với 61% trong năm 1971. Người da trắng năm 2011 chiếm 70% tầng lớp trung lưu so với 80% trong năm 1971.
Người trung lưu nói tiếng Tây Ban Nha tăng từ 8% năm 1971 lên 13% trong năm 2011 trong khi người trung lưu gốc châu Á và Thái Bình Dương năm 2011 là 5% so với 3% hồi năm 1971.
Theo TTXVN