Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, Hội nghị cấp cao doanh nghiệp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC-2012) trong hai ngày 7 và 8-9 tại Vlađivôxtốc (Vladivostok, LB Nga) với sự tham dự của hơn 700 nhà lãnh đạo các nền kinh tế khu vực cùng với hơn 300 giám đốc điều hành (CEO) đến từ các tập đoàn và công ty hàng đầu thế giới.
Năm vấn đề trọng yếu được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này gồm Liên kết kinh tế Chính sách tiền tệ Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững về sinh thái An ninh lương thực và Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm vấn đề quan trọng trên đây sẽ được thảo luận tại 17 phiên họp và hội nghị bàn tròn trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC. Cụ thể, các đại biểu sẽ trao đổi ý kiến về những hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay và các biện pháp bình ổn các đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới và khu vực cũng như triển vọng lưu thông đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng rúp Nga trong không gian quốc tế.
Ngoài ra, các phiên họp cũng sẽ xem xét đề xuất của Nga về phát triển các tuyến đường vận tải hàng hóa đối trọng giữa châu Âu và châu Á để giúp Nga và các thành viên APEC đến năm 2020 tiết kiệm gần 300 tỷ USD trong các hoạt động thương mại song phương và gần 370 tỷ USD trong vận tải quá cảnh. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Summa của Nga, ông Diyavuđin Magômêđốp (Ziyavudin Magomedov) cho rằng mỗi phần trăm lưu lượng thương mại Âu-Á qua lãnh thổ Nga sẽ tiết kiệm được gần 1 tỷ USD. Vì vậy, cần phải ưu tiên phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ từ phía Tây Trung Quốc qua Nga và tuyến vận tải biển qua Bắc Băng Dương. Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh lương thực phải được hình thành và phát triển trong vòng một năm Nga đảm đương cương vị Chủ tịch Diễn đàn này.
Theo ông Magômêđốp, quan hệ đối tác về an ninh lương thực của APEC gồm 21 thành viên, được thể hiện qua kế hoạch công tác thời kỳ 2012-2014 với mục tiêu nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp, hạn chế thất thoát trong vận chuyển và bảo quản lương thực, tối ưu hóa khâu cung cấp nông sản. Các nước và vùng lãnh thổ tham gia quan hệ này ưu tiên cho công tác phổ biến công nghệ tiên tiến, phát triển cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và xuất khẩu nông sản, bảo đảm cung cấp hàng hóa lương thực-thực phẩm cho những người dân gặp khó khăn, phối hợp hài hòa khi tiến hành các thủ tục hải quan, vệ sinh dịch tễ và thú y. Trong lĩnh vực xây dựng sinh thái, các đại biểu sẽ chú trọng trao đổi ý kiến về triển vọng và khả năng xây dựng các thành phố xanh tại các thành viên APEC trên cơ sở kết hợp hài hòa việc phát triển xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường xung quanh.
Các đại biểu cũng sẽ thảo luận các biện pháp cụ thể để thực thi thỏa thuận về thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực công nghệ, khoa học và phát minh-sáng chế. Một đề tài chủ chốt khác mà các đại biểu sẽ tranh luận kỹ là khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên-nhiên liệu và tài nguyên đất-nước để bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định.
Theo TTXVN