Ông Obama được đề cử với sự tín nhiệm cao.
Trong bài phát biểu chấp nhận sự đề cử, cả ông Obama và ông Biden đều nhấn mạnh khi lên cầm quyền đầu năm 2009 họ đã tiếp quản hệ quả của cuộc đại khủng hoảng nặng nề nhất trong hơn 60 năm qua và khẳng định tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng trong hơn ba năm qua nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ tệ hại nhất và đang trên đà phục hồi.
Các chủ trương chính sách được cặp liên danh Obama-Biden xác định là tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh của kinh tế Mỹ; khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các công ty tạo ra nhiều việc làm ở trong nước, đưa việc làm từ bên ngoài về Mỹ. Mục tiêu tổng thể là phục hồi và củng cố vị trí số 1 của Mỹ trên cơ sở sức mạnh trong nước.
Biện pháp ông Obama đưa ra là thay đổi bộ luật thuế theo đó các tập đoàn và thiểu số những người giầu có phải đóng thuế cao hơn để chính phủ có thêm nguồn thu cho đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội; tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi đây tiếp tục là xương sống của xã hội và kinh tế Mỹ; tăng cường hệ thống giáo dục để tạo ra những thế hệ người Mỹ có năng lực, trình độ cạnh tranh trên toàn cầu; kêu gọi gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế để đến năm 2020 có thể giảm 50% nguồn dầu lửa nhập khẩu để tạo đà cho phát triển bền vững.
Về đối ngoai và an ninh, ông Obama cam kết tiếp tục coi việc đảm bảo an ninh cho nước Mỹ là ưu tiên tối cao; xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh; củng cố các liên minh và đồng minh, ngăn chặn phổ biến hạt nhân và phổ biến cái gọi là "các giá trị Mỹ"...
Ngoài bài phát biểu của ông Obama và ông Biden chấp nhận sự đề cử của đảng, trong ba ngày đại hội đảng Dân chủ còn có các bài diễn thuyết được dư luận mô tả là "rơi lệ", đó là bài phát biểu của Đệ nhất phu nhân Michael Obama và bài phát biểu của cựu Tổng thống Bill Clinton. Bài phát biểu của bà Michael được coi là "thấu được lòng người", tô điểm thêm cho phẩm chất của Tổng thống Obama luôn gần gũi và lắng nghe ý kiến của người dân Mỹ. Bài phát của cựu Tổng thống Bill Clintơn được coi là "thần cứu mệnh" cho ông Obama vì nó tập trung công kích gay gắt và khá thuyết phục nhằm bác lại các lời cáo buộc của cặp liên danh bên phía đảng Cộng hòa đối với chính quyền Obama.
Đại hội của đảng Dân chủ cũng đã nhất trí thông qua bản cương lĩnh tranh cử năm 2012 trong đó, về đối ngoại, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ và về đối nội, đề cao vai trò của chính phủ, bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu.
Theo nhìn nhận của dư luận, nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Obama năm 2012 có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít trở ngại. Đương kim tổng thống ra tranh cử nhiệm kỳ hai có lợi thế cơ sở chính trị có sẵn ở khắp các bang và có nguồn lực trong tay. Ông Obama cũng đã gặt hái được một số thành công trong đối ngoại, điển hình là việc thực hiện cam kết rút hết quân ra khỏi Iraq và đang từng bước rút quân ra khỏi Afghanistan. Cổ vũ cho cái gọi là "Mùa Xuân Arập" lần lượt lật đổ một số chế độ lâu đời ở Trung Đông và sự kiện lính biệt kích Mỹ đầu tháng 5/2011 tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osamar bin Laden cũng được ghi nhận là một chiến tích chống khủng bố nổi bật của chính quyền Obama.
Một thuận lợi lớn nữa đối với nỗ lực tái tranh cử của ông Obama là hầu như không có đối thủ, do vậy đã nhận được sự hậu thuẫn gần như tuyệt đối trong nội bộ đảng. Được nhìn nhận là một chính khách gần gũi và đáng tín cậy với người dân hơn, cho tới nay ông Obama vẫn thường xuyên dẫn điểm đối thủ của đảng Cộng hòa trong các cuộc thăm dò dư luận và đến thời điểm tháng 6/2012 có 54% cử tri được hỏi ý kiến nghĩ rằng ông Obama sẽ đắc cử nhiệm kỳ 2.
Tuy nhiên, bản thân êkíp vận động tranh cử cũng tự nhìn nhận nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ tổng thống 4 năm nữa của ông Obama khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Đà phục hồi kinh tế vẫn còn bấp bênh; tỷ lệ thất nghiệp trong 48 tháng liên tiếp vừa qua vẫn ở mức cao trên 8%; nợ quốc gia trong gần 4 năm ông Obama cầm quyền đã tăng gấp hơn 4 lần so với các tổng thống tiền nhiệm đã và đang trở thành những vật cản lớn. Bức tranh kinh tế ảm đạm đã đẩy uy tín của Obama đến cuối tháng 7 chỉ còn ở mức 47% trong khi mức ủng hộ dưới 50% là một mối lo đối với mọi tổng thống muốn tranh cử nhiệm kỳ hai. Kinh tế còn nhiều khó khăn được xác định là vật cản lớn nhất đối với nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Obama, nhất là khi kết quả các cuộc thăm dò cho thấy vẫn có tới 64% cử tri cho rằng nước Mỹ đang chệch hướng và 54% không đồng tình với các chính sách kinh tế của chính quyền Obama.
Như vậy, với việc hai đảng độc chiếm nền chính trị nước Mỹ đã kết thúc đại hội và đề cử các cặp liên danh, cuộc bầu cử ở Mỹ bắt đầu bước vào gia đoạn đỉnh cao, tại đó việc công kích hạ uy tín, thậm chí dùng mọi thủ đoạn để bôi nhọ lẫn nhau, sẽ là nét đặc trưng.
Nguồn www.chinhphu.vn