>> Công ước LHQ về Luật Biển: Công cụ pháp lý quan trọng của thế giới
>> Cơ sở pháp lý chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
(NTO) Hỏi: Hãy cho biết một số khái niệm về chế độ pháp lý về vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp theo Công ước về Luật Biển 1982?
Trả lời: Công ước Luật Biển 1982 quy định đường cơ sở là giới hạn để tính chiều rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế. Có hai loại đường cơ sở. Đường cơ sở thông thường theo ngấn nước thủy triều thấp nhất chạy dọc bờ biển và đường cơ sở thẳng là đường nối các điểm nhô ra biển nhất hay là các đảo và quần đảo ven biển của quốc gia.
Vùng nội thủy (bên trong đường cơ sở), hoàn toàn thuộc quốc gia ven biển, chúng ta quản lý vùng này như đất liền, người và tàu thuyền nước ngoài muốn vào phải xin phép.
Vùng lãnh hải (rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở trở ra), là lãnh thổ quốc gia trên biển, ranh giới phía ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển, nước ven biển có chủ quyền giống như trên đất liền, chỉ khác là tàu thuyền nước ngoài được đi qua không gây hại (không ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng của nước ven biển).
Vùng tiếp giáp lãnh hải tiếp liền với lãnh hải và rộng 12 hải lý từ ranh giới phía ngoài lãnh hải, chúng ta có quyền kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị những vi phạm về nhập cảnh, hải quan, thuế và y tế của người và tàu thuyền nước ngoài.
Hỏi: Khái niệm về chế độ pháp lý về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước về Luật Biển 1982?
Trả lời: Vùng đặc quyền kinh tế (rộng 200 hải lý từ đường cơ sở), tại vùng này Việt Nam quản lý mọi tài nguyên sinh vật, khoáng sản và các hoạt động kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên, được xây dựng, thiết lập các công trình nhân tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển. Phía nước ngoài được hưởng quyền tự do hàng hải, tự do bay cũng như lắp đặt ống dẫn dầu hay dây cáp ngầm ở đây nhưng không ảnh hưởng đến các quyền của Việt Nam nói trên.
Thềm lục địa (đây là lòng đất dưới đáy biển, rộng tối thiểu 200 hải lý, tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở hay không vượt quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m nước), Việt Nam có quyền chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên ở trên bề mặt và trong lòng đất của thềm lục địa của mình, cũng như các hoạt động kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên. Việt Nam có thể tiến hành khai thác dầu mỏ hay cho phép các nước khác khai thác dầu mỏ cũng như các loại khoáng sản khác ở khu vực này.
Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương