|
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của ngành trong năm học vừa qua và những hạn chế cần tập trung khắc phục để đạt kết quả cao trong năm học mới này?
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu: Kết quả nổi bật đầu tiên trong năm học 2011-2012 phải kể đến là vai trò tham mưu của ngành đối với Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước. Nhiều chủ trương, định hướng lớn đã được ngành tham mưu, cụ thể hóa qua những Đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch… làm cơ sở cho mọi hoạt động của ngành. Năm học vừa qua cũng ghi dấu sự thành công nổi bật của việc triển khai thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phòng giúp phòng, trường giúp trường, thầy trò giúp nhau”… từ đó từng bước đổi mới cách dạy, cách học, trường học không chỉ bó hẹp trong 4 bức tường mà rộng mở ra ngoài với cuộc sống.
Thành tựu đáng ghi nhận nhất, chất lượng giáo dục và đào tạo được củng cố, duy trì và phát triển. Tỷ lệ học sinh có học lực trung bình trở lên tăng 9,1% so với năm học trước. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,59%, tăng 7,64% so với năm 2010. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, đặc biệt là ở cấp tiểu học tỷ lệ bỏ học chỉ còn 0,3%, đây là con số rất đáng mừng bởi cách đây 5 năm, con số này là trên 10, thậm chí có nơi là 20%. Cũng rất đáng tự hào khi năm học 2011-2012, Ninh Thuận cùng với một số ít tỉnh, thành khác được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế chọn tham gia Chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế và chọn 2 trường THCS tham gia thí điểm triển khai Đề án Ngoại ngữ THCS. Về giáo dục mũi nhọn, học sinh tỉnh ta đạt 86 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 10 giải cấp quốc gia, 22 huy chương trong kỳ thi Olympic truyền thống 30-4… Giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi có nhiều khởi sắc: Trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, có 4 trường ở vùng đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh yếu kém môn tiếng Việt vùng đồng bào dân tộc giảm 7,1% so với năm học trước.
Trường THPT Bác Ái. Ảnh: Văn Miên
Bên cạnh những thành tựu nổi bật đạt được, năm học 2011-2012 cũng còn những hạn chế, tồn tại cần phải tập trung tháo gỡ: Công tác phổ cập THCS chưa bền vững nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Phổ cập tiểu học đúng độ tuổi tiến độ chậm. Phổ cập mầm non 5 tuổi chưa đạt theo kế hoạch. Số trường đạt chuẩn quốc gia so với toàn quốc còn thấp. Một bộ phận cán bộ, quản lý các đơn vị trường học chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch, chiến lược cho sự phát triển của nhà trường, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu trong khi công tác xã hội hóa giáo dục còn rất hạn chế. Do đó, cơ sở trường, lớp ở nhiều huyện, thành phố còn thiếu thốn trong khi theo Chiến lược phát triển GD&ĐT đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phải hướng tới “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”. Vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa chất lượng kết quả tốt nghiệp THCS với kết quả tuyển sinh vào lớp 10, chứng tỏ sự đánh giá của giáo viên chưa thật chuẩn xác.
Phóng viên: Cùng với cả nước, tỉnh ta đã sẵn sàng bước vào năm học 2012-2013. Vậy ngành đã cụ thể hóa chủ đề của năm học mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định thành những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm như thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu: Năm học 2012-2013 với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung giải quyết những hạn chế tồn tại để nâng cao chất lượng giáo dục bằng nhiều giải pháp như: đổi mới kiểm tra, đánh giá; đổi mới phương pháp giảng dạy, tư duy về giáo dục… với khẩu hiệu “Dạy thật - học thật – chất lượng thật để đào tạo nên những con người có năng lực thật sự”. Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, bản thân mỗi nhà giáo cũng phải nỗ lực rèn luyện để là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế.
Đặc biệt, trong năm học này, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn về việc dạy thêm học thêm, đúng quy định, tránh việc dạy thêm, học thêm tràn lan ở tất cả các cấp học; kiên quyết không để xảy ra những tiêu cực trong việc đánh giá chất lượng học sinh do dạy thêm, học thêm. Ngành cũng sẽ chỉ đạo đến tất cả các trường, các cấp học thực hiện chặt chẽ việc bàn giao chất lượng học sinh, quy trách nhiệm cho từng giao viên để việc dạy và học đi vào nền nếp, đúng thực chất, tránh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Mỗi cấp học cũng đã xác định những định hướng, nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước khi khai giảng bước vào năm học mới, Sở GD&ĐT đã tổ chức các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học cho từng cấp học.
Năm học 2012-2013, ngành GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tốt các đề án: Tăng cường dạy và học ngoại ngữ, Phát triển hệ thống trường THPT chuyên, Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam… chỉ đạo phát triển GD&ĐT theo quy hoạch của ngành đến năm 2020.
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của hơn 139.500 học sinh trong toàn tỉnh bước vào năm học mới, tôi tin tưởng với sự quyết tâm, đoàn kết của toàn ngành và sự chung tay, hỗ trợ của tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh, năm học 2012-2013 sẽ tiếp tục là một năm học thắng lợi, với nhiều thành tích mới.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !
Bích Thủy