Lưới điện thông minh, mô hình bắt đầu được áp dụng từ năm 2005 tại nhiều nước phát triển, là hệ thống điện có thể tích hợp các hành động thông minh của mọi thành phần kết nối vào lưới, từ nhà máy điện, người dùng hoặc những đơn vị thực hiện cả 2 vai trò này nhằm nâng cao tính kinh tế, bền vững và đảm bảo cung cấp điện ổn định.
Theo đó, lưới điện truyền thống sẽ được tích hợp với hệ thống công nghệ thông tin điều khiển và liên lạc tiên tiến để tạo ra hệ thống cung cấp năng lượng tự động hoá cao, tăng cường độ tin cậy, an toàn, hiệu quả cho lưới điện; tích hợp và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mới tái tạo và đặc biệt là trao quyền cho khách hàng được hiểu rõ về cung ứng và tiêu thụ điện qua đó chủ động tham gia vào quá trình mua, bán điện.
Một ví dụ về lưới điện thông minh, với hệ thống công tơ đo đếm tiên tiến (AMI) có khả năng nhận biết và tính toán cho khách hàng chi phí tiền điện khi sử dụng ở những thời điểm giá điện khác nhau như cao điểm và thấp điểm. Hoặc đối với các nhà máy điện, các nhà truyền tải, phát triển lưới điện thông minh tạo điều kiện tốt cho các ứng dụng quản lý, thu thập, xử lý thông tin để đảm bảo tính kịp thời và minh bạch trong giao dịch, mua bán và thanh toán tiền điện trên thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Các chuyên gia cho biết, lưới điện thông minh và cơ chế đồng bộ cũng có tác dụng giảm phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ các công ty điện lực và khách hàng quản lý có chính sách kinh doanh, sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và kiểm soát tốt hơn tình trạng mất điện. Lưới điện với những tiêu chuẩn hỗ trợ tiên tiến này cũng có thể đấu nối vào các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Sau khi xem xét, đánh giá về sự cần thiết, phù hợp với chiến lược phát triển điện lực quốc gia của mô hình lưới điện thông minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công Thương lập Đề án về phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, trong đó có lộ trình với các giai đoạn, mục tiêu, tiêu chuẩn cụ thể.
Theo đó, trước tiên sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xem xét các cơ chế, chính sách cần thiết theo thẩm quyền để tạo cơ sở pháp lý phát triển hệ thống lưới điện thông minh.
Các dự án ban đầu hướng tới việc hoàn chỉnh hệ thống SCADA/EMS cho các trung tâm điều độ, các ứng dụng nhằm tăng cường độ tin cậy, tối ưu vận hành lưới điện truyền tải, trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới phân phối, phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng, cho phép cân bằng cung cầu điện năng tới cấp độ người sử dụng điện.
Nguồn www.chinhphu.vn