Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: TTXVN)
"Ngay trong những ngày đầu tháng 9 này, tại thành phố cảng Vla-đi-vô-xtốc tươi đẹp bên bờ Thái Bình Dương của Liên bang Nga sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ 20 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu 20 năm kể từ khi các nhà Lãnh đạo APEC gặp nhau lần đầu tiên tại thành phố Xi-át-tờ thuộc tiểu bang Oa-sinh-tơn, Hoa Kỳ. Diễn đàn APEC ngày nay đã trở thành một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung to lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, cũng như thúc đẩy liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.
* Từ Xi-át-tờ đến Vla-đi-vô-xtốc - Liên kết kinh tế châu Á - Thái Bình Dương không ngừng được đẩy mạnh
Được thành lập vào tháng 11 năm 1989 tại một Hội nghị cấp Bộ trưởng ở thủ đô Can-bê-ra của Ốt-xtrây-lia, với 12 thành viên sáng lập, đến nay, APEC đã trở thành diễn đàn quy mô lớn, với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 nước thuộc nhóm G20, chiếm 59% dân số, 50% lãnh thổ, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu. Cùng với các cơ chế hợp tác khác ở khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN với các đối tác, Cấp cao Đông Á (EAS), liên kết kinh tế Đông Bắc Á, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)..., APEC đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc và duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình phục hồi và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Hoạt động trên các nguyên tắc được khởi xướng từ những ngày đầu là tự nguyện, linh hoạt, đồng thuận và cùng phát triển, mục tiêu xuyên suốt mà các thành viên APEC kiên trì thúc đẩy trong những năm qua là mở rộng và tăng cường liên kết kinh tế khu vực. APEC đã tích cực triển khai mọi nỗ lực nhằm đẩy mạnh tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nổi bật là việc đưa ra Tuyên bố Bô-go năm 1994, theo đó các nền kinh tế phát triển cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực vào năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020. Sau gần 20 năm thực hiện, mức thuế trung bình của các thành viên đã giảm từ 16,9% năm 1989 xuống còn 6,6% năm 2008, thấp hơn mức bình quân 10,4% của các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chi phí giao dịch thương mại trong khu vực cũng giảm đáng kể, thông qua 2 lần cắt giảm 5% vào các năm 2006, 2010 và nhiều chương trình hợp tác thiết thực như cải cách cơ cấu, cải cách hạ tầng pháp lý, nâng cao chính sách cạnh tranh, cải cách hành chính... Liên kết kinh tế giữa các thành viên APEC cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Tới năm 2010, trong khu vực đã có hơn 100 Hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) được ký kết hoặc đang đàm phán, và hiện APEC đang tích cực hướng tới xây dựng Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Liên kết kinh tế sâu sắc chính là nhân tố quan trọng giúp các thành viên đạt tốc độ tăng trưởng GDP tăng gấp 3 lần so với năm 1989 và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, APEC cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương và Vòng đàm phán Đô-ha của WTO.
Cùng với tăng cường liên kết kinh tế, APEC đã đóng góp ngày càng hiệu quả vào giải quyết các thách thức toàn cầu, nhằm thực hiện tầm nhìn được đưa ra ngay từ Hội nghị Cấp cao đầu tiên là xây dựng một cộng đồng khu vực an ninh, an toàn và thịnh vượng, vì lợi ích của mọi người dân. Nhìn lại 20 năm qua, có thể thấy, APEC đã hành động kịp thời trước những nguy cơ và thách thức cấp thiết, nhất là chống chủ nghĩa khủng bố vào khoảng những năm 2001, ứng phó với dịch bệnh như dịch SARS năm 2003, dịch cúm gia cầm năm 2006, cho đến ứng phó với thiên tai, bảo đảm an ninh con người…Trong những năm gần đây, để thúc đẩy phát triển bền vững, hợp tác APEC tiếp tục được mở rộng sang nhiều nội dung mới, bao gồm cả biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn tài nguyên nước, hợp tác giáo dục, nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội… Hiện APEC đang tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng mới, với 5 nội hàm toàn diện về cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn.
* APEC 2012 - Dấu ấn nước Nga
Lần đầu tiên, Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức tại Liên bang Nga, đất nước rộng lớn nhất trên thế giới, có bề dày lịch sử và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ chín toàn cầu. Đây là hoạt động đối ngoại được xem là hết sức quan trọng đối với Nga, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế sau khi Nga đã tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và Cấp cao Đông Á (EAS) vào năm 2010 và vừa chính thức gia nhập WTO ngày 22 tháng 8. Đăng cai APEC cũng có ý nghĩa thiết thực khi Nga, trong nhiệm kỳ thứ ba lịch sử của Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin, đang tích cực triển khai chiến lược hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực Viễn Đông và khu vực Bai-can đến năm 2025.
Phát huy những bước tiến của APEC những năm qua, Nga đã cùng các thành viên thúc đẩy bốn trọng tâm hợp tác nhằm tạo ra những dấu ấn của APEC năm 2012. Đó là tự do hóa thương mại, đầu tư và liên kết kinh tế khu vực, tăng cường bảo đảm an ninh lương thực, thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo. Những vấn đề này có ý nghĩa hết sức then chốt đối với APEC và từng thành viên, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và các thách thức an ninh phi truyền thống trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Liên tục từ đầu năm tới nay, Nga đã chủ trì tổ chức 11 Hội nghị cấp Bộ trưởng về thương mại, tài chính, doanh nghiệp vừa và nhỏ, an ninh lương thực, năng lượng, môi trường, mỏ, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, phụ nữ và phát triển kinh tế và nhiều hoạt động khác để thúc đẩy triển khai các ưu tiên đã đề ra.
Đỉnh cao của năm APEC 2012 là Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20 sẽ diễn ra từ ngày 08 - 09 tháng 9 năm 2012. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với APEC và khu vực, được tất cả thành viên và cộng đồng quốc tế trông đợi. Với sự tham dự của Lãnh đạo Cấp cao 21 thành viên, Hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề lớn về kinh tế thế giới và khu vực, thông qua các biện pháp hợp tác thiết thực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, liên kết kinh tế và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Hơn 700 doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực cũng sẽ tụ họp tại Vla-đi-vô-xtốc để trao đổi với các nhà Lãnh đạo về hướng xử lý các thách thức toàn cầu mới đang nổi lên. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng phụ trách kinh tế cũng sẽ làm việc tích cực trong dịp này để thúc đẩy hợp tác APEC trên mọi lĩnh vực.
Với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, Sáng tạo để thịnh vượng”, các hoạt động của APEC năm 2012 sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của APEC đóng góp cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Các bạn Nga đang làm hết sức mình để chuẩn bị chào đón các nhà Lãnh đạo và bạn bè từ tất cả các thành viên, và để cùng nhau tạo nên một dấu ấn mới trong tiến trình hợp tác APEC. Dấu ấn đó chắc chắn sẽ là định hướng để APEC tiếp tục thành công sau chặng đường 20 năm, và sẽ mang đậm màu sắc, văn hóa và truyền thống của một nước Nga hào hùng, nhân hậu và giàu lòng mến khách.
* Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế - tiếp tục đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác APEC
Tháng 11 năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Quyết định tham gia APEC vào thời điểm đó đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. APEC là diễn đàn quan trọng, mang đến những lợi ích chiến lược, thiết thực cả về kinh tế, chính trị, là nơi chúng ta có thể phát huy vai trò, nâng cao vị thế và hình ảnh về một đất nước Việt Nam phát triển, năng động, trách nhiệm và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, là kênh hiệu quả để chúng ta đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, đều là những đối tác chiến lược và mang tầm chiến lược hàng đầu của nước ta.
Trong suốt 14 năm tham gia APEC, Việt Nam chúng ta luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm. Thành công nổi bật nhất là chúng ta đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, tổ chức hơn 100 sự kiện lớn nhỏ, trong đó có Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14. Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bô-go và các biện pháp cải cách tổng thể được thông qua tại Hội nghị Cấp cao này đã góp phần tạo nên những động lực mới cho APEC. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chủ động đề xuất và chủ trì tổ chức hơn 70 sáng kiến và các hoạt động ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, đến đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….
Bước vào năm 2012, nét nổi bật là lần đầu tiên chúng ta được các thành viên tín nhiệm bầu vào vị trí đồng Chủ tịch Nhóm công tác APEC về ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Chúng ta cũng tổ chức thành công một số hoạt động quan trọng của APEC tại Việt Nam. Có thể kể đến Cuộc họp Nhóm công tác thông tin và truyền thông APEC lần thứ 45 tại thành phố Đà Nẵng, Hội thảo APEC lần thứ 3 về an ninh hàng hóa hàng không và Hội nghị Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, chúng ta cũng tiếp tục tích cực tham gia thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên của APEC phù hợp với lợi ích và quan tâm của Việt Nam, như liên kết kinh tế, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, ứng phó với thiên tai, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên biển…
Với thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đất nước chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển chiến lược mới - tiếp tục đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Đây là khu vực gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của chúng ta trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển. Cùng với đó, và trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa ta với nước chủ nhà, chúng ta đã và đang làm hết sức mình, cùng với các bạn Nga và các thành viên APEC khác đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị Cấp cao năm nay, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam