Tuy nhiên, theo đánh giá, do tình hình kinh tế khó khăn, người dân có xu thế thắt chặt chi tiêu, nên so với các năm trước lượng du khách đến tỉnh ta giảm khoảng 10%. Tại khách sạn Sài Gòn- Ninh Chữ, khách đến đặt phòng đã chiếm khoảng 80% công suất, chủ yếu khách đi theo các tour du lịch từ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội…. Tiếp nhận hơn 400 khách từ các tỉnh đăng ký đi tour tham quan tại các danh lam thắng cảnh ở địa phương và gần 100 khách địa phương đăng ký tour đi nghỉ lễ ở các thành phố Nha Trang, Đà lạt… Giá phòng nghỉ tăng lên 5% so với ngày thường
Khách du lịch tham quan vịnh Vĩnh Hy Ninh Hải.
Những ngày cuối tháng 8, không khí tại 2 làng nghề: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cũng đã rộn ràng hẳn lên. Năm nay, đón 2-9 xong là đến lễ hội Ka-tê nên rất đông bà con đồng bào Chăm xa quê cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan các khu làng nghề Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc. Ngay từ giữa tháng 8, Ban quản lý các khu phố đã tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động bà con làm vệ sinh đường làng, không chăn thả gia súc ra đường làm ảnh hưởng đến mỹ quan. Mỗi buổi tối, các đội văn nghệ dân gian của hai làng đều mệt mài tập luyện để có những tiết mục hay nhất phục vụ du khách nhân dịp lễ 2-9. Ông Đàng Năng Điệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: “Để phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm tại làng nghề vào dịp nghỉ lễ 2-9, hợp tác xã đã sắp xếp lại gian trưng bày, nhập thêm những sản phẩm gốm mới, trong đó tập trung vào những sản phẩm gốm mỹ nghệ được sản xuất theo mẫu mới trên cơ sở khảo sát nhu cầu, thị hiếu của khách hàng”. Các cơ sở sản xuất gốm tư nhân cũng vừa cho ra lò những sản phẩm gốm mới và chỉnh trang, sửa soạn lại gian trưng bày, chuẩn sẵn vật liệu để có thể biểu diễn làm gốm trực tiếp phục vụ du khách hay để du khách tham gia thử nghiệm tạo ra sản phẩm gốm.
Khách du lịch tham quan làng gốm Bàu Trúc (Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên
Tại bến xe Ninh Thuận, từ ngày 30-8, hành khách, đa số là học sinh, sinh viên từ TP.Hồ Chí Minh trở về quê nghỉ lễ đã bắt đầu đông lên, tăng khoảng 40% so với ngày thường. Ông Dương Văn Tú, Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Tuấn Tú cho biết: “Ngày thường, công ty có 6 chuyến chạy từ TP.Hồ Chí Minh- Ninh Thuận, phục vụ trên 240 lượt hành khách, nhưng những ngày qua, lượng học sinh, sinh viên đặt vé để về quê nghỉ lễ tăng lên, chúng tôi phải tăng cường hết công suất mới đáp ứng nhu cầu”. Bến xe Ninh Thuận cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị tốt vận chuyển hành khách từ Ninh Thuận trở vào TP. Hồ Chí Minh học tập sau thời gian nghỉ lễ, đồng thời cho phép các doanh nghiệp phụ thu thêm 30% giá vé so với ngày thường.
Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Dự đoán trong dịp lễ 2-9, bình quân mỗi ngày tỉnh ta sẽ đón 8000-10.000 du khách trong và ngoài tỉnh. Trước một tuần, các khách sạn lớn ven biển như Sài Gòn – Ninh Chữ, Sơn Long Thuận, Đen Giòn, Hoàn Cầu, Phong Lan, Thái Bình Dương… đến khách sạn “mi-ni”, nhà nghỉ loại bình dân, cách xa biển, gần như kín chỗ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500 phòng nghỉ, tương đương sức chứa khoảng gần 4.500 khách/ngày. Đây là cơ hội lớn và là dịp quảng bá ngành Du lịch của tỉnh ta đến với các bạn bè trong nước và quốc tế, nên ngoài việc lo chu đáo về chỗ ăn nghỉ, thì giữ giá cả ổn định cũng là vấn đề cần quan tâm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gởi đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các yêu cầu như: giữ gìn vệ sinh môi trường, trang hoàng nội thất, nâng cao chất lượng phục vụ và đặc biệt là phải giữ giá hợp lý trong những ngày cao điểm.
Nhóm PV