Công nghiệp truyền thông số Việt Nam vẫn chưa được chú trọng

Mặc dù ngành công nghiệp truyền thông số là xu hướng của thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn chưa được chú trọng đầu tư phát triển để vươn lên trong khu vực.

Chưa được chú trọng đầu tư

Những vấn đề về công nghiệp truyền thông số Việt Nam, đã được ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam đưa ra trong chuyên đề “ công nghiệp truyền thông số xu hướng và cơ hội”, tại hội thảo Toàn cảnh CNTT – TT Việt Nam 2012, được hội tin học TP.HCM, Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam và Sở TT&TT TP.HCM tổ chức vào ngày 29-8 tại TPHCM.

Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam trình bày tại hội thảo.

Theo ông Lê Thanh Tâm, kể từ tháng 1/2012 – 8/2012, trên thế giới đã có 1,25 tỉ điện thoại di động được bán ra, 2,4 tỉ người dùng Internet, 94,447 tỉ email đã được gửi, 0,96 tỉ bài viết trên blog, 931,9 tỉ lượt tìm kiếm trên Google, 0,17 tỉ ti vi được bán ra và 42,4 tỉ đô la đã được chi tiêu cho video game. Xu hướng sắp tới của ngành truyền thông số thế giới đang phát triển mạnh thông qua việc phát triển thị trường thiết bị thông minh và dịch vụ ngành giải trí và truyền hình số toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam việc phát triển truyền thông số vẫn chưa được chú trọng đầu tư và phát triển. Cụ thể doanh thu ngành truyền thông số Việt Nam vào khoảng 3,3 tỉ USD, tuy nhiên doanh thu này lại chủ yếu thu về từ việc người dùng trả tiền Internet và đọc báo, tạp chí điện tử là chính. Trong khi đó các nước trong khu vực như Thái Lan có doanh thu ngành này lên tới 4,9 tỉ USD và Indonesia doanh thu lên tới 5,4 tỉ USD và họ phát triển rất đồng đều các lĩnh vực như quảng cáo điện tử, Video game, nhạc số, phim số, digital B2B…

Ở lĩnh vực mạng xã hội, các mạng xã hội trong nước như Yume, tamtay, Zingme…chỉ chiếm 30% thị phần, trong khi đó 5 mạng xã hội của nước ngoài đang hoạt động trong nước như Facebook, Twitter, Linkedin, Flicks, Youtube, chiếm tới 70% thị phần. Còn trò chơi trực tuyến thì ở trò chơi trực tuyến trên di động doanh thu trong nước chỉ chiếm 30% còn lại 70% thị phần thuộc về các trò chơi đến từ nước ngoài, riêng game trên máy tính còn “thảm hại” hơn khi game trong nước sản xuất chỉ chiếm 6% thị phần, còn 94% thị phần còn lại đều là game nhập khẩu từ nước ngoài.

Ở lĩnh vực truyền hình cũng không khả quan hơn so với các nước trong khu vực, các kênh truyền hình chính thống nội dung rất hạn chế, kênh truyền hình thuê đường truyền chưa nhiều nội dung đặc trưng, tiếp sóng nhiều kênh nước ngoài. Trong khi ở các nước trong khu vực người dân có rất nhiều lựa chọn để xem truyền hình thì ở Việt Nam họ chỉ có 2 lựa chọn ở trên.

Theo ông Lê Thanh Tâm, sở dĩ ngành công nghiệp truyền thông số ở Việt Nam chưa phát triển do vẫn còn thiếu các chính sách từ cơ quan quản lý, chẳng hạn như về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được coi trọng, phim sản xuất chưa xong đã bị ăn cắp mất. Ở các dịch vụ việc cấp phép từ các cơ quan quản lý không đồng đều, thuê kênh truyền hình chi phí cao. Việt Nam có 120.000 lao động có trình độ ngày càng nâng cao nhưng vẫn chưa đi vào sản xuất ra sản phẩm…

Nên chọn TPHCM và phía Nam làm trọng tâm

Đánh giá về sự phát triển ngành công nghiệp truyền thông số trong thời gian tới, ông Lê Thanh Tâm cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Điển hình là số người truy cập Internet đông (32 triệu người) đa số là dân số trẻ. Hạ tầng đã phát triển cũng đã được chú trọng, các chính sách cũng đang ngày càng hoàn thiện…

Tuy nhiên, theo ông Tâm, để phát triển ngành này thì nên chọn TPHCM và các tỉnh phía Nam làm tâm điểm. với 21 tỉnh thành, 33,6 triệu dân chiếm 30,1% dân số toàn quốc, khu vực này đang chiếm 70% thị trường sử dụng dịch vụ truyền thông số trong cả nước. Doanh thu ở lĩnh vực truyền hình cũng thuộc vào loại cao nhất khi doanh thu từ TPHCM chiếm 2000 tỉ, Vĩnh Long 1000 tỉ và Bình Dương 300 tỉ. Chưa kể ở đây có tới 10.000 chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực này, 20 công ty quốc tế và 50 công ty nội địa làm BPO (doanh nghiệp cho thuê ngoài dịch vụ), sẵn sàng tư vấn, cung cấp các dịch vụ để phát triển ngành.

Nguồn ICTnews