Mô hình thang máy vũ trụ của tập đoàn LiftPort
Trên trang mạng Kickstarter, LiftPort đang kêu gọi các nhà đầu tư quyên góp khoản tiền 8.000 USD cho giai đoạn đầu của dự án để xây dựng hệ thống thang máy thử nghiệm nối từ mặt đất, cao khoảng 2 km để robot "đu" thử lên trời.
Bước đột phá trên cho phép tập đoàn LiftPort xây dựng một thang máy vũ trụ lên Mặt trăng sử dụng các công nghệ sẵn có. Michael Laine – tổng giám đốc tập đoàn LiftPort khẳng định hệ thống thang máy không gian nối liền Trái đất và Mặt trăng sẽ được ra mắt trong 8 năm tới (2020).
Quá trình thiết kế và chế tạo một chiếc thang máy không gian trên Mặt trăng sẽ bớt phức tạp hơn so với một chiếc thang máy không gian trên Trái đất bởi Mặt trăng không có lực hấp dẫn và áp suất khí quyển – những yếu tố gây áp lực lớn lên các vật liệu được sử dụng để chế tạo dây cáp nối trên thang máy.
Ông Laine đã nghiên cứu các mô hình thang máy vũ trụ với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) giai đoạn năm 2001 – 2003. Sau đó, ông thành lập tập đoàn LiftPort vào năm 2003 và tiến hành các cuộc thử nghiệm cho robot trèo lên một hệ thống khí cầu đo khí áp cao 1,6 km trước khi công ty bị đóng cửa do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế năm 2007 – 2012.
Những hệ thống khí cầu trên không chỉ giúp các nhà khoa học hiện thực hóa giấc mơ chế tạo thang máy vũ trụ kết nối Trái đất với Mặt trăng mà còn được xem như những "tòa tháp" thông tin truyền thông giá rẻ ngay trên Trái đất, chuyên cung cấp dịch vụ Internet không dây, kiểm soát mùa màng, cháy rừng, thậm chí mang theo camera quan sát bầu trời sau mỗi thảm họa thiên nhiên.
Trong những năm qua, một số cựu thành viên thuộc tập đoàn LiftPort đã rời bỏ công ty để chuyển sang đầu tư và thực hiện nhiều dự án khác như Tom Nugent – cựu giám đốc nghiên cứu tại LiftPort đã chuyển sang đồng thành lập công ty LaserMotive. Hiện tại, LaserMotive đang tiến hành thử nghiệm sử dụng tia laser để cung cấp năng lượng cho robot và máy bay không người lái.
Ngoài việc kêu gọi khoản đầu tư 8.000 USD, tập đoàn LiftPort còn đang lên kế hoạch tăng nguồn quỹ nhằm chế tạo thêm các thiết bị cảm biến và sản xuất một con robot có thể trèo lên độ cao 30 km.
Dự án xây dựng thang máy vũ trụ đầy tham vọng trên sẽ tiêu tốn khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên, ông Laine không hy vọng sẽ có thể huy động số tiền lớn như vậy ngay trong giai đoạn đầu của dự án bởi tập đoàn LiftPort sẽ cần tới một năm để nghiên cứu chế tạo thang máy vũ trụ lên Mặt trăng. Song ông Laine kỳ vọng trong thời gian tới, số tiền quyên góp sẽ đạt con số 100.000 USD.
Tập đoàn LiftPort không phải là công ty duy nhất quan tâm tới việc xây dựng hệ thống thang máy vũ trụ bởi trước đây, công ty LaserMotive đặt trụ sở tại Seattle đã từng giành chiến thắng trong "Trò chơi thang máy vũ trụ" - cuộc thi do NASA tài trợ. Ngoài ra, tập đoàn Obayashi của Nhật Bản cũng đã đặt mục tiêu chế tạo một chiếc thang máy vũ trụ vào năm 2050.
Nguồn Infonet.vn