Bộ chuyên ngành quản lý toàn diện các tập đoàn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đang có hướng quy định bộ chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các tập đoàn, tổng công ty nhằm xác định rõ trách nhiệm và tăng hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết như vậy tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung quản lý vốn ngân sách tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Vương Đình Huệ được đề nghị cùng trả lời câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Nga về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trọng vụ Vinalines.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, báo cáo của Thanh tra Chính phủ về vụ Vinalines khẳng định đó là trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, Tổng Giám đốc các công ty con và hệ thống các ban nội bộ của Vinalines.

Đối với Bộ Tài chính, cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi 8,055 tỷ đồng tại 4 đơn vị thành viên của Vinalines, chậm nhất đến giữa tháng 6/2012 các đơn vị phải nộp vào đơn vị thuế. Ngoài ra, cơ quan thanh tra còn có kiến nghị với các Bộ Nội vụ, Giao thông vận tải.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, việc mua ụ nổi 83-M là làm trái, nhưng cũng có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc chậm ban hành, hoặc có sở hở khi ban hành chính sách; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát lúng túng khi phân định trách nhiệm các bộ, ngành với chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhận thức được những hạn chế từ phía cơ quản lý, từ năm 2011, Bộ Tài chính đã triển khai hàng loạt các giải pháp như ban hành đề án tái cấu trúc tập đoàn nhà nước, kế hoạch hành động đề án, Bộ trưởng Tài chính ký ban hành hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án và xây dựng kế hoạch sử dụng vốn nhà nước và trình Chính phủ năm 2012; sửa đổi quy định quỹ sắp xếp vốn nhà nước; điều chỉnh hoạt động công ty kinh doanh vốn nhà nước; trình Chính phủ dự thảo quy chế giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… Bộ trưởng nhấn mạnh, những vấn đề này không chỉ đến vụ Vinalines mới làm mà đã làm từ trước.

Theo Bộ trưởng, sau khi xem xét các kế hoạch của Bộ Tài chính, Chính phủ đang có hướng phân định trách nhiệm quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc về các bộ quản lý chuyên ngành (hiện nay là nhiều bộ có cùng chức năng quản lý). Thủ tướng chỉ bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Ủy viên Hội đồng Thành viên của một số tập đoàn. Chức danh Tổng giám đốc do bộ, ngành giới thiệu bầu theo quy định của pháp luật. Người chịu trách nhiệm trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng Thành viên.

Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp, phân tích, đánh giá, lập báo cáo toàn diện của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiến hành thanh tra theo yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thẩm định các dự án vay vốn nước ngoài; ban hành tiêu chí ban hành kế toán trưởng của tổng ty, tập đoàn nhà nước…

Về trách nhiệm quản lý bộ, ngành đối với các sai phạm của tập đoàn, tổng công ty, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Theo nguyên tắc, cơ quan thanh tra chỉ thanh tra một số công việc cụ thể chứ không thanh tra toàn bộ, thanh tra đơn vị nào thì tập trung thanh tra đơn vị đó. Do đó, cơ quan thanh tra không thể xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan trong sai phạm tại một số tập đoàn, tổng công ty thời gian qua.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, đối với các cơ quan liên quan, “thông thường cơ quan thanh tra kiến nghị cơ quan đó vào cuộc”. Sau khi thanh tra Ban Giám đốc Vinalines, cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm các cơ quan liên quan. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan (Nội vụ, Giao thông vận tải, Tài chính) rà soát việc đầu tư cảng biển, xem xét lại quy định về quản lý vốn, điều động đề bạt cán bộ.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xác định trách nhiệm của bộ, ngành đối với sử dụng vốn tại tập đoàn, tổng công ty theo pháp luật.

Đáp lời, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng trao đổi của đại biểu là hết sức bổ ích để ngành tiếp thu, xác định rõ trách nhiệm của ngành và của các bộ, ngành khác.

Kết luận buổi chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục thanh tra các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước nói chung, góp phần ngăn chặn thất thoát, tiêu cực, xử lý kịp thời vấn đề tổn thất tài sản cũng như dấu hiệu tẩu tán tài sản, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Thanh tra Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ 2011- 2012, cơ quan này đã kết luận thanh tra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các tập đoàn kinh tế là Dầu khí, Sông Đà, Hoá chất, Viettel, đã phát hiện khuyết điểm, vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng (đã thu hồi 2.137 tỷ đồng); kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 29.844 tỷ đồng (đã xử lý 17.079 tỷ đồng); chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc.
Nguồn www.chinhphu.vn