Nghiên cứu bỏ “cộng dồn” thành tích trong khen thưởng

Chiều 22/8, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã họp phiên thứ 48, bàn về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng (TĐKT). Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương Nguyễn Thị Doan chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp thứ 48 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà cho rằng việc “cộng dồn” thành tích để khen thưởng cần được sửa đổi trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng.

Tham dự phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương Trần Thị Hà, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, lãnh đạo các hội, đoàn thể, bộ, ban ngành Trung ương.

Bà Trần Thị Hà cho biết qua 8 năm thực hiện Luật TĐKT, hoạt động TĐKT trở nên bài bản hơn. Tuy nhiên, luật đã bộc lộ một số bất cập mà cơ bản nhất là quy định khen thưởng theo kiểu “cộng dồn” thành tích, theo trình tự khen từ cấp dưới rồi mới được cấp trên khen.

Do đó, nếu đơn vị nào “quan tâm” đến phần thưởng, bằng khen thì được nhiều bằng khen. Đơn vị nào “không để ý” mà chỉ tập trung vào hoạt động chuyên môn thì khi có thành tích cao lại không được khen thưởng tương xứng. Bà Trần Thị Hà cho rằng dự luật cần khắc phục bất cập cơ bản này.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh cũng đồng tình với ý kiến nên bỏ quy định khen thưởng theo tuần tự, tích lũy thành tích.

Hai đại biểu này cũng cho rằng nên quy định chỉ khen thưởng khi đối tượng được khen có thành tích nổi bật trong lĩnh vực làm việc của mình.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp cũng cho rằng hiện đang có việc khen thưởng chỉ tập trung cho các cán bộ, công chức, trong khi người lao động lại chưa được khen thưởng tương xứng; thẩm quyền quyết định khen thưởng đang tập trung vào một số chức danh khiến công việc này “quá tải”, thủ tục hành chính trong khen thưởng chưa tinh gọn; bộ máy làm công tác khen thưởng, nhất là ở dưới cơ sở còn chưa chuyên nghiệp…

Theo bà Trần Thị Hà, dự luật này sẽ sửa đổi, bổ sung hơn 50% số điều trong Luật TĐKT hiện hành.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ, Ban TĐKT Trung ương tiếp thu các góp ý của đại biểu để xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TĐKT.

Trong đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần có cơ chế để khen thưởng, động viên nhiều hơn cho người lao động, cân nhắc bình đẳng giới và tính hội nhập quốc tế của khen thưởng trong dự luật… Về đề nghị bỏ một số hình thức khen thưởng của cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị nên cân nhắc kỹ trên cơ sở giá trị lịch sử của bằng khen đó.

Cũng tại phiên họp, Hội đồng TĐKT Trung ương đã tổng kết công tác của Hội đồng trong 6 tháng đầu năm và đề ra những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Các ý kiến đều đồng tình với dự thảo đánh giá của Hội đồng khi trong 6 tháng qua, các phong trào thi đua đều đã được duy trì phát triển, đặc biệt là phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và người dân.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua của các bộ, ban ngành cũng có nhiều đổi mới, công tác tuyên truyền điển hình tiên tiến có nhiều nổi bật… Tuy nhiên, hoạt động TĐKT vẫn còn hạn chế như đang tồn tại nhiều phong trào thi đua, nhiều phong trào chồng chéo, tính hiệu quả còn hạn chế…

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm 2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Hội đồng TĐKT đặt hoạt động TĐ-KT trong trọng tâm là đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của đất nước; tăng cường kiểm tra các phong trào thi đua có tính chất trọng tâm…

Nguồn www.chinhphu.vn