Thống đốc NHNN: Đưa nợ xấu về mức tiêu chuẩn trong nhiệm kỳ này

Trả lời chất vấn trước UBTVQH ngày 21-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã làm rõ thêm về nguyên nhân nợ xấu ngân hàng, sự chênh lệch giữa các con số vàc các giải pháp, lộ trình xử lý.

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Thống đốc khẳng định việc xử lý phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng sẽ nỗ lực đưa nợ xấu về mức tiêu chuẩn trong nhiệm kỳ này.

Số liệu nợ xấu "vênh” do yếu tố định tính khi phân loại

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích, nợ xấu là vấn đề luôn tồn tại song song với hoạt động của các ngân hàng. Hoạt động ngân hàng 30 năm qua đều tồn tại 2 loại số liệu, một do các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo, một do NHNN thống kê qua việc giám sát cũng như kiểm tra, đánh giá các tổ chức này. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta có thêm số liệu thứ 3 là do các tổ chức đánh giá tài chính quốc tế, con số này cũng thường khác với số liệu của Việt Nam.

Thống đốc khẳng định, các tiêu chí phân loại nợ của Việt Nam theo đánh giá Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính quốc tế khác phù hợp với các tiêu chuẩn trong khu vực, có định lượng, định tính. Ví dụ, tổ chức xếp loại Fitch Ratings khi đánh giá nợ xấu của Việt Nam đã lấy nợ xấu của Việt Nam cộng thêm nợ nhóm 2 để ra tỷ lệ 13%.

Thống đốc cho biết, từ năm 2005 trở lại đây, NHNN đã ban hành Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng. Quyết định này phân loại nợ thành 5 nhóm, trong đó nhóm 1 là nợ tốt, nhóm 2 khoản nợ có vấn đề, từ nhóm 3 đến 5 là nợ xấu. Ví dụ, tiêu chí thời gian với các khoản nợ, được trả nợ đúng hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày là nhóm 1, quá hạn từ 10-90 ngày là nhóm 2, quá hạn từ 90-180 ngày, quá hạn từ 180 ngày đến 360 ngày là nhóm 4, quá hạn từ trên 360 ngày nhóm 5.

Trong một số trường hợp, một món vay dù chưa quá hạn ngày nào cũng có thể bị xem xét để đưa vào nhóm nợ xấu, dựa trên tình hình tài chính doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, phân tích các cú sốc thị trường…

Vì có nhiều yếu tố định tính khi phân loại, nên trong nhiều trường hợp, 2 công ty kiểm toán khác nhau đưa ra 2 số liệu nợ xấu khác nhau với cùng một tổ chức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, với tỷ lệ nợ xấu hiện nay, nếu so với các nước trong giai đoạn khó khăn 1998-2000 như Thái Lan (47%), Hàn Quốc (17%), Indonesia (hơn 20%), thì con số nợ xấu của Việt Nam là rất đáng báo động nhưng không đến mức độ “hốt hoảng”. Còn tại Việt Nam, ở thời điểm năm 1998, tình hình nợ xấu cũng nặng nề hơn với tỷ lệ 10,11%, trong khi chưa có đầy đủ quy định trích lập dự phòng rủi ro, quy định về thế chấp, xử lý tài sản.

Trước ý kiến cho rằng tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước đáng lo ngại hơn ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, số liệu báo cáo đến 30/06/2012, nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước là 3,76% và của ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh là 4,73%.

Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Agribank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất lên tới 6,14%, tiếp theo là Vietcombank 3,55%. Các ngân hàng Vietinbank, MHB và BIDV có tỷ lệ nợ xấu lần lượt 2,45%, 2,63% và 2,52% theo số liệu do các ngân hàng cung cấp.

Số liệu của NHNN xác thực nhất

Thống đốc cũng thừa nhận, bên cạnh các yếu tố khách quan, nguyên nhân gây ra nợ xấu còn do các yếu tố chủ quan khác như ý thức người phân nhóm nợ, ý thức bản thân các tổ chức tín dụng.

Thống đốc phân tích, khi nợ càng xấu thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro càng tăng lên. Cụ thể, nhóm 1 không phải trích lập, nhóm 2 trích lập 5%, nhóm 3 trích lập 20%, nhóm 4 trích lập 50%, nhóm 5 là 100%. Việc trích lập dự phòng rủi ro càng lớn, càng ảnh hưởng tới mục tiêu lợi nhuận, nên các tổ chức tín dụng cố gắng tìm mọi cách che giấu khoản nợ, phân loại nhóm nợ tốt hơn thực tế.

Về kinh tế vĩ mô, trong thời gian dài, nền kinh tế vẫn chú trọng phát triển theo chiều rộng, tín dụng tăng trưởng quá nóng, trung bình hơn 29% trong 10 năm qua, có những năm trên 33%.

Thống đốc thẳng thắn thừa nhận, cơ chế chính sách của NHNN nhiều năm qua ít được đổi mới, chưa theo kịp diễn biến của thị trường, không định hướng tốt sự phát triển hệ thống tín dụng; trong khi năng lực và số lượng cán bộ NHNN không đủ để thanh tra thường xuyên mà chỉ thực hiện định kỳ. Trong một thời gian dài, các chế tài xử lý của NHNN chưa phát huy được hiệu quả.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí thẩm định các khoản vay, hiệu quả các dự án sơ sài, vi phạm quy định quản lý rủi ro.

Do đó, NHNN không chỉ căn cứ vào số báo cáo mà phải trực tiếp giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ để đánh giá nợ xấu. Thời gian qua, NHNN đã đẩy mạnh thanh tra 9 tổ chức tín dụng và đã phát hiện ra sự chênh lệch rõ ràng giữa số báo cáo và thực tế.

Cụ thể, có tổ chức báo cáo tỷ lệ nợ xấu không quá 2,5%, có lãi lớn, nhưng kết quả thanh tra cho thấy có tổ chức nợ xấu trên 30% thậm chí 60%, có tổ chức không những không có lãi mà mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ.

Thống đốc khẳng định: Số liệu nợ xấu do NHNN có căn cứ khoa học và xác thực nhất.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Số liệu nợ xấu do NHNN có căn cứ khoa học
và xác thực nhất. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Bổ sung quy định quản lý

Thẳng thắn thừa trách nhiệm trong vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết hiện NHNN đã tiến hành xử lý nghiêm khắc, bắt buộc 9 tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro một cách đầy đủ và các biện pháp khác như yêu cầu cổ đông phải tăng thêm vốn, đồng thời khoanh vùng các tổ chức này vào diện giám sát đặc biệt của NHNN.

Theo số liệu mới nhất đến nay, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 70 ngàn tỷ đồng, giá trị tài sản bảo đảm bằng 130% giá trị khoản vay, do đó hoàn toàn có điều kiện xử lý với mức chi phí thấp nhất.

NHNN đang xây dựng, lấy ý kiến trình và dự kiến ban hành các văn bản quan trọng trong quản lý hoạt động tín dụng, dự kiến trong quý III/2012 sẽ ban hành đầy đủ, các văn bản sẽ có hiệu lực thi hành năm 2013 và các tổ chức tín dụng sẽ có thời gian định hướng lại việc phát triển tín dụng.

Ví dụ, hiện quy định việc sử dụng vốn vay không rõ, thậm chí bên vay rút tiền mặt, chi không đúng mục đích, các văn bản mới sẽ quy định chặt chẽ hơn.

NHNN cũng đã tiến hành sắp xếp lại cơ quan thanh tra giám sát, tăng cường hiệu lực thanh tra kiểm tra.

Về việc thành lập công ty mua bán nợ, Thống đốc khẳng định về mặt pháp lý chưa có cơ quan thẩm quyền nào có ý kiến nên chưa có cơ sở báo cáo trước Quốc hội. Dưới góc độ chuyên môn, Thống đốc khẳng định việc lập công ty xử lý nợ xấu là hoàn toàn khả thi, từ đó giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

NHNN cũng chính thức triển khai chương trình đánh giá tài chính Việt Nam (phối hợp với Ngân hàng Thế giới) trên cơ sở đó có thể đánh giá cung cấp thông tin minh bạch hơn tình hình tài chính các ngân hàng, bảo hiểm, doanh nghiệp.

Các giải pháp khác được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề cập như NHNN sẽ chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, tòa án các cấp xử lý nhanh các tài sản thế chấp, khuyến khích các tổ chức tín dụng mua bán lại nợ, đàm phán lại với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Từ đó, tăng cường năng lực tài chính doanh nghiệp và giúp giảm nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, Thống đốc khẳng định việc xử lý phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có môi trường kinh tế, với sự nỗ lực toàn hệ thống, sẽ cố gắng đưa nợ xấu về mức tiêu chuẩn trong nhiệm kỳ này.

Nguồn www.chinhphu.vn