Để học sinh nghèo có điều kiện đến trường

(NTO) Thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh phổ thông là con hộ nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập để mua sách vở, đồ dùng học tập. Tuy nhiên, việc thực hiện chậm khiến nhiều học sinh gặp khó khăn khi bước vào năm học mới.

Nhiều người ví thời điểm này như đang trong mùa “giáp hạt” đối với các trường học. Bởi trong khi chính sách hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập theo Chương trình 135 giai đoạn II đã chấm dứt, thì chính sách mới thay thế là Nghị định 49 của Chính phủ về hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh là con hộ nghèo, vùng đăc biệt khó khăn đã có hiệu lực từ hơn một năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện kịp thời. Tình trạng này, khiến các nhà trường lẫn học sinh đang phấp phỏng lo âu, bởi việc chậm cấp sách, vở và đồ dùng học tập đồng nghĩa với việc nhiều học sinh nghèo, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn phải học “chay”, thậm chí không thể đến trường.

Nhờ chương trình hỗ trợ của Chính phủ giúp các em học sinh mẫu giáo xã Ma Nới
có điều kiện đến trường học tập tốt. Ảnh: Sơn Ngọc

Ông Đào Trọng Lịch, Phó phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Trước đây, chính sách hỗ trợ giấy vở, đồ dùng học sinh dân tộc thiểu số khu vực đặc biệt khó khăn thực hiện theo Nghị định 20/1998/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ cước, trợ giá, kết hợp với chính sách hỗ trợ con em hộ nghèo theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg và Quyết định 101/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2011, chính sách này tạm ngưng do trùng lặp với chính sách của Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ về hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Do sợ rằng việc tạm ngưng hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và huy động trẻ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đến lớp, nên nhiều địa phương rất lo”.

Theo Nghị định 49, Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, với mức 70.000đ/học sinh/tháng để mua sách, vở và đồ dùng học tập... trong thời gian 9 tháng/năm học. Thực hiện Nghị định này, ngày 14-9-2011, UBND tỉnh đã có Quyết định 46/2011/QĐ ban hành quy định cụ thể để thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và triển khai quy định này.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí này hàng năm Trung ương phân bổ cho tỉnh chậm và không kịp thời theo năm học, thì các địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các thủ tục đề nghị cấp vốn. Theo ông Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD& ĐT, thực tế việc triển khai chính sách này có chậm. Nguyên nhân, do đây là một chủ trương mới, liên quan đến nhiều nội dung, thực hiện qua nhiều bước với quy trình làm hồ sơ quyết toán ban đầu từ cấp nhà trường, lên các phòng, ban cấp huyện và sở, ngành hết sức chặt chẽ, nên mất khá nhiều thời gian. Để giải quyết kịp thời chính sách cho học sinh trong năm học mới này, Sở đã nhắc nhở các trường, Phòng GD& ĐT các huyện khẩn trương lập nhu cầu, triển khai ngay từ đầu năm học. Sở Tài chính cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ quyết toán của các địa phương. Đến nay, đã quyết toán và giải quyết cho các địa phương tạm ứng ngân sách hỗ trợ học sinh theo Nghị định 49, với tổng kinh phí trên 10,734 tỷ đồng.

Điều đáng mừng là mới đây, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh về việc cho ứng trước ngân sách tỉnh cấp cho Phòng GD& ĐT các huyện để chi trả kịp thời cho đối tượng được hưởng trước ngày khai giảng năm học mới. Nội dung này đã được lãnh đạo Sở Tài chính nhất trí giải quyết cấp trước, các địa phương cần phải có tờ trình đề nghị mức ứng để có căn cứ cấp.

Năm học mới đang đến gần, với trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan, hy vọng rằng đối tượng học sinh nghèo vùng đặc biệt khó khăn sẽ sớm được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo thêm điều kiện cho các em học tập tốt hơn trong năm học mới.