Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thủ đô

Sáng 17/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Thủ đô.

 Khuê Văn Các - một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Dự án Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 3/2011). Tuy nhiên, do một số quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô còn có ý kiến khác nhau nên dự án Luật không được Quốc hội khóa XII thông qua. Quốc hội đã giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật Thủ đô để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII đã quyết định đưa dự án Luật Thủ đô vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012) theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội.

Qua thảo luận, ý kiến chung của Thường trực Uỷ ban pháp luật đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo lập cơ sở pháp lý mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của cả nước. Với vị trí, vai trò của Thủ đô, là trái tim của cả nước, cho nên để “tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô” như đã nêu trong Nghị quyết số 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí, vai trò của mình, thì việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô là cần thiết. Do đó, Thường trực Uỷ ban tán thành việc lựa chọn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước mà chưa được quy định trong các luật hiện hành hoặc đã được quy định nhưng chưa phù hợp với đặc thù Thủ đô.

Về biểu tượng của Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành với việc cần thiết quy định về biểu tượng của Thủ đô với lựa chọn là hình ảnh Khuê Văn Các, bởi Khuê Văn Các thực tế đã là một trong những biểu tượng nhiều năm nay của thủ đô Hà Nội, song đề nghị vẫn phải quy định để đảm bảo biểu tượng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam; thể hiện nguyện vọng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc không nên giao cho Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định về biểu tượng của Thủ đô vì biểu tượng Thủ đô không phải là vấn đề mang tính pháp lý mà nên giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định về biểu tượng Thủ đô.

Thảo luận về việc quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng” tại khoản 2 Điều 22 dự thảo Luật và mức thu một số loại phí, lệ phí cao hơn trên địa bàn Thủ đô (Điều 23), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tán thành với các quy định trên. Theo lý giải của ông Thảo, cần thiết phải xử phạt hành chính khu nội đô cao hơn mới có tác dụng răn đe, và “người dân ở Trung tâm có nhiều lợi thế hơn thì phải đóng phí cao hơn.”

Song, một số ý kiến cho rằng, việc áp dụng mức phí, lệ phí cao hơn so với mức phí, lệ phí chung của cả nước là để có kinh phí dành cho đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông như Tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục, cần phải được làm rõ hơn. Bởi lẽ, nhu cầu cải tạo, nâng cấp công trình giao thông, cũng như bảo vệ môi trường là nhu cầu chung của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không chỉ riêng đối với Hà Nội; nên cùng một loại dịch vụ mà người dân ở nội thành Hà Nội phải trả lệ phí cao gấp hai lần so với người dân ở địa phương khác là không hợp lý. Đồng thời, thay vì quy định mức phạt tiền cao hơn nên có các chế tài xử lý nghiêm sai phạm trong các lĩnh vực này.

Bàn về quy định quản lý dân cư (Điều 21), đa số ý kiến các thành viên UBTVQH cho rằng, thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải dân cư, tạo nên những áp lực về giao thông, điều kiện học tập, chỗ ở, y tế, việc làm…dẫn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đáp ứng được... nên cần sớm có biện pháp cụ thể quản lý dân cư tại nội thành Hà Nội, nhằm hạn chế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở nội thành Hà Nội. Do đó, trước mắt, để xử lý vấn đề này, tán thành với quy định về điều kiện đăng ký thường trú của công dân ở nội thành Hà Nội tại Điều 21 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cùng với quy định này của dự thảo Luật cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như: Chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành; giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành... thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Bên cạnh đó, vẫn còn có ý kiến băn khoăn vì với quy định này của dự thảo Luật cũng không thể hạn chế được người dân đến cư trú tại nội thành Hà Nội, vì nếu không được đăng ký thường trú thì họ vẫn có thể tạm trú tại đó để mưu sinh và như vậy, áp lực lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội vẫn không được giải quyết.

Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, Dự án Luật Thủ đô trình UBTVQH lần này đã tránh được sự xung đột pháp lý giữa với một số Luật như Luật Ngân sách, Luật cư trú, Luật đô thị... song cần xem xét quy định vị trí và vai trò thủ đô. Theo đó, cần khẳng định vai trò thủ đô là trung tâm, nhưng phải bổ sung là động lực phát triển kinh tế của cả nước, có chỉ số sáng tạo hơn cả nước để khẳng định vai trò “đầu tàu”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô cần có những quy định đặc thù mà các luật khác chưa quy định hoặc đã có quy định rồi nhưng không phù hợp với Thủ đô.

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý nhằm nâng cao chất lượng Dự án, tạo được sự đồng thuận cao để Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. Theo Chủ tịch Quốc hội, do chưa làm rõ được vị trí và vai trò, đặc thù của Thủ đô cũng như yêu cầu xây dựng đối với thủ đô khác với các đô thị như thế nào, điều này dẫn tới việc vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo.

Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực như: Quy hoạch, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam