Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: Về cơ bản, Thường trực Ủy ban thống nhất với những nội dung của dự án Luật Hòa giải cơ sở. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải cơ sở như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở có hiệu quả hơn; tạo cơ chế để người dân thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, góp phần ổn định trật tự xã hội, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, giảm bớt các vụ việc chưa cần thiết phải đưa tới Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước giải quyết.
Thường trực Ủy ban cho rằng, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã trải qua 13 năm thực hiện, vì vậy, việc ban hành Luật Hòa giải cơ sở để thay thế Pháp lệnh là phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại tỏ ra băn khoăn về việc có nhất thiết phải nâng từ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở lên thành Luật hòa giải cơ sở không hay chỉ nên sửa đổi? Bởi, theo ông Hiển, hòa giải là những vấn đề mang tính xã hội, phạm vi hòa giải không chỉ bó hẹp trong mâu thuẫn nhỏ mà mâu thuẫn lớn vẫn cần sự hòa giải. Ông Hiển cũng đặt vấn đề: “Nếu như bộ máy cồng kềnh nhận lương hòa giải liệu người dân có chấp nhận không? Nếu quy định cứng trong luật thì có còn là vấn đề hòa giải nữa hay không?.”
Một buổi hòa giải ở cơ sở. (Ảnh minh họa. Nguồn: phapluatvn.vn)
Về bầu, công nhận hòa giải viên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành với quy định về bầu, công nhận hòa giải viên như dự thảo Luật vì kế thừa được quy định của Pháp lệnh hiện hành, bảo đảm dân chủ và địa vị pháp lý của hòa giải viên, song đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thể hiện lại các quy định này theo hướng mềm dẻo, hạn chế sử dụng các thuật ngữ mang tính hành chính như “trình”, “phê duyệt”,… làm ảnh hưởng đến tính chất xã hội hóa của hoạt động hòa giải cơ sở ngay từ khâu bầu ra người tiến hành hoạt động hòa giải.
Góp ý vào Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ ủng hộ quan điểm nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật. Tuy nhiên, ông Hiện cũng đề nghị xem xét về mặt nguyên tắc, phạm vi định hướng chủ yếu của Luật này là các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhưng cần bổ sung quy định có thể hòa giải trong các trường hợp khác. Lý giải cho nội dung này, ông Hiển cho biết, do trong thực tế cuộc sống có những vụ án lớn vẫn phải tiến hành công tác hòa giải .
Mặt khác, ông Hiện cũng nhấn mạnh việc tăng cường tính chất xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, vì bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện của các bên. “Xã hội hóa phải lấy “tình” là chính chứ không cần công chức hóa bầu hòa giải viên.” – ông Hiện nêu rõ.
Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, Dự thảo Luật chưa bao quát hết vấn đề về thực tiễn. Ông Ksor Phước đưa ví dụ khi xảy ra mâu thuẫn cá nhân giữa dòng họ A và B không thể áp dụng luật được mà phải dựa trên phong tục, tập quán nơi hai dòng họ trên sinh sống. Do đó, đề nghị bổ sung khuyến khích cộng đồng dân tộc thiểu số áp dụng một số tập tục, tập quán... trong áp dụng hòa giải cơ sở.
Liên quan đến quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong đó quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở, quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Tư pháp; Uỷ ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở, đa số các đại biểu nhất trí với các quy định này nhằm tăng cường, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp độ khác nhau từ trung ương đến cơ sở, cũng như trách nhiệm của người dân tham gia vào hòa giải ở cơ sở; bổ sung quy định về sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội khác như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên…vào công tác hòa giải ở cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý nhằm nâng cao chất lượng Dự án Luật Hòa giải cơ sở để đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận trong kỳ họp tới; đồng thời đề nghị làm rõ ý nghĩa và tác dụng, giá trị của luật hơn pháp lệnh ở chỗ nào; làm rõ giá trị pháp lý của hòa giải; nâng cấp phạm vi điều chỉnh.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam