Ảnh minh họa.
Chiều 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo giám sát năm 2012 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường” do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày.
Các thành viên của UBTVQH đều cho rằng đây là một báo cáo được xây dựng khá đầy đủ, nhiều thông tin, phản ánh được thực trạng việc ban hành, thực hiện chính sách pháp luật gắn với bảo vệ môi trường của Nhà nước.
Theo đó, hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường khi khai thác khoáng sản được ban hành khá nhiều (khoảng 1.000 văn bản), về cơ bản đã tạo dựng được cơ sở pháp lý nhất định trong hoạt động này.
Nhờ đó, việc quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản đã được quan tâm thực hiện, mang lại kết quả tích cực nhất định như xây dựng được khoảng 120 dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoảng sản do Trung ương và địa phương phê duyệt; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị để đề xuất cơ chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gắn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, địa phương nơi có mỏ khoáng sản; công tác bảo vệ môi trường đã từng bước được quan tâm thực hiện, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật này vẫn còn hạn chế như một số quy định về đền bù giải phóng mặt bằng về đất đai chưa thực sự tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án thăm dò và khai thác khoáng sản; chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa cao, chậm đổi mới so với thực tiễn... Đơn cử như số lượng cấp giấy phép của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu, làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Trong 7 năm qua, các địa phương đã cấp khoảng 4.000 giấy phép, gấp 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm trở lại đây. Trong khi đó, số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn rất ít. Chưa kể đến việc cấp giấy phép không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật…
Cũng theo báo cáo, 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2007 đến tháng 7/2012, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện xử lý 4.142 vụ. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng.
“Báo cáo giám sát cần làm rõ hơn trước khi có quy định giao quyền cấp phép khai thác khoáng sản cho địa phương thì có hạn chế gì? Đến khi giao quyền rồi thì sở hở ra sao để từ đó phân tích, lấp chỗ hở của pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Báo cáo giám sát phải chỉ ra được những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật và đề nghị Chính phủ, các địa phương rà soát, chỉnh sửa để nâng cao công tác quản lý và hoạt động khai thác khoáng sản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị từ hơn 4.000 giấy phép mà các địa phương đã cấp, chính quyền phải tìm cho ra sai đúng thế nào. Giấy phép nào cấp sai thì thu hồi và xử lý cán bộ vi phạm, đồng thời làm rõ thời gian xử lý vi phạm này.
Đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới, Báo cáo giám sát về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Nguồn www.chinhphu.vn