Khắc phục tồn tại công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Các địa phương không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo tỉnh Nghệ An khảo sát một mô hình dạy nghề
cho lao động nông thôn tại huyện Thanh Chương, Nghệ An, tháng 12/2011. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chiều 14/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì buổi giao ban với Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/11/2009.

Mặc dù các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2012 kết quả đạt được rất thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt.

Việc bố trí ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực để thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án đạt rất thấp. Trong 3 năm 2010-2012, ngân sách mới bố trí được 3.860 tỷ đồng (chỉ bằng 14%) của toàn bộ kế hoạch ngân sách trong 11 năm thực hiện Đề án.

Công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng và ngành kinh tế. Nhiều nơi tổ chức dạy nghề chưa gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chưa gắn với chính sách đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Việc đào tạo lao động nông thôn tại nhiều địa phương còn chạy theo số lượng mà chưa coi trọng chất lượng, chưa đạt tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc làm công việc cũ với hiệu quả cao hơn, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
đến năm 2020” cho biết việc bố trí ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực để
thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án đạt rất thấp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo, chất lượng báo cáo thực hiện Đề án còn yếu. Đến ngày 11/8/2012, còn 12 tỉnh, thành chưa có báo cáo. Trong số 51 địa phương đã có báo cáo có 20 địa phương báo cáo chưa đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các địa phương cần tập trung quan tâm chỉ đạo và khắc phục trong việc tổ chức các Ban Chỉ đạo cấp xã. Đến nay chỉ có 75% xã thành lập Ban Chỉ đạo; 60% số huyện không có cán bộ chuyên trách thực hiện công việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; 163 huyện không có trung tâm dạy nghề cấp huyện. Những con số trên cho thấy, các cấp chính quyền tại cấp xã, huyện tại một số địa phương vẫn đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện Đề án quan trọng này.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần gắn kết dự án 600 Phó Chủ tịch xã với các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm phát huy tối đa khả năng của các trí thức trẻ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ LĐ-TB&XH tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc về việc thực hiện Đề án này.

Cho ý kiến về sửa đổi Quyết định 1956, Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện xong trước ngày 30/9/2012 theo hướng làm rõ cơ cấu bố trí vốn giữa Trung ương và các địa phương trong đào tạo nghề lao động nông thôn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho các đối tượng thuộc diện được chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất và nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng là hộ cận nghèo.

Mục tiêu chủ yếu của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trong năm 2012 là tiếp tục dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn và đào tạo bồi dưỡng cho 100.000 cán bộ công chức cấp xã; Đẩy mạnh hoàn thiện, nhân rộng các mô hình dạy nghề đã thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu các mô hình mới gắn với các làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới và các doanh nghiệp; Hoàn thiện việc thí điểm sử dụng thẻ học nghề tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre.
Nguồn www.chinhphu.vn