Vệ sinh môi trường

(NTO) Ngày nay, khi nói tới vệ sinh môi trường thì hầu như ai cũng biết đang là mối nguy cho sức khỏe mọi người. Và nếu hỏi một ví dụ điển hình thì họ cũng có thể nói ngay, nào là: đường sá ngổn ngang bụi bặm, ổ gà và nước đọng; khói bụi do xe cộ lưu thông; nhà máy xả khí thải, rác thải, nước thải, tiếng ồn; rác công nghiệp, rác y tế, rác sinh hoạt khu dân cư… Nhưng nếu hỏi thêm anh (chị) đã bao giờ nghĩ rằng mình nên làm gì để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường thì có lẽ không mấy ai tự tin trả lời.

Thực ra cũng có người nhiệt tâm mong muốn góp phần bảo vệ môi trường nhưng chưa biết phải làm gì. Xin gợi một số ý kiến:

- Việc quản lý vệ sinh môi trường thì đúng là do cơ quan chức năng thực hiện, nhưng để góp phần “vệ sinh yêu nước” như lời Bác Hồ kêu gọi thì mọi người hãy cùng chung tay thực hiện giữ vệ sinh môi trường, cùng giám sát, nếu phát hiện có tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư thì cần phản ảnh ngay trong các buổi họp thôn, khu phố hoặc báo cho UBND xã, phường nơi cư trú, hoặc có thể phản ảnh trung thực cho báo chí để có tiếng nói cảnh báo.

Thanh niên phường Phước Mỹ ra quân làm vệ sinh môi trường góp phần xây dựng thành phố
xanh- sạch- đẹp. Ảnh: Sơn Ngọc

- Bản thân luôn nhận thức rằng môi trường là môi trường chung và nếu ô nhiễm xảy ra sẽ ảnh hưởng sức khỏe cho cả cộng đồng và nếu bệnh, dịch xảy ra sẽ không chừa ai và không từ nhà nào nếu không thực hiện tốt vệ sinh môi trường. Do đó chúng ta phải tự làm gương trước cho gia đình, con cháu bắt chước như hướng dẫn phân loại rác tại nhà: rác tái chế như nhựa, ny-lon, thủy tinh, giấy, gỗ, kim loại để riêng và rác hữu cơ hủy bỏ để riêng. Không vứt rác bừa bãi ngay cả trong nhà mình chứ đừng nói chi nơi công cộng. Tích cực ủng hộ, tham gia các phong trào như xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa, vệ sinh tại cộng đồng, bảo vệ nguồn nước trong lành là không vứt bỏ bất cứ vật gì xuống nước. Xác định muốn xóm làng mình sạch, đẹp thì chính mình và cộng đồng phải giữ gìn vệ sinh chứ không ai khác làm việc này...

- Những cuộc dã ngọai làm cho chúng ta thấy khỏe người, thư giãn vì được hít thở không khí trong lành và gần gũi thiên nhiên xanh, sạch, đẹp. Nhưng hiện nay có rất nhiều người sau khi dã ngoại xong đã để lại môi trường một đống rác nào là giấy, lon hộp, bao bì ny-lon, thức ăn thải thì thật là không đẹp mắt chút nào. Hãy thu gom tất cả vào nơi quy định hoặc mang về nhà cho vào thùng rác, trả lại cảnh quan như cũ. Nếu ai cũng thải rác như vậy, lần sau quay lại thì nơi đây đã thành bãi rác.

- Đi tiêu ngoài đồng, bãi biển là không còn phù hợp và thậm chí có thể nguy hiểm, nhất là trẻ em gái và phụ nữ. Trách nhiệm làm chồng, làm cha phải cố gắng làm cho được một nhà tiêu hợp vệ sinh cho gia đình, với tiêu chuẩn kín, khô sạch; Trạm Y tế có thể hướng dẫn mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh. Hiện giờ Nhà Nước đang có chính sách cho vay tiền và hỗ trợ để xây nhà vệ sinh gia đình, cần liên hệ với chính quyền địa phương để biết và thực hiện xây nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Vệ sinh nhà cửa không tốn kém gì nhưng mang lại lợi ích sức khỏe rất nhiều. Không để rác, thức ăn thừa vương vải trong nhà vì như vậy dễ thu hút gián, chuột, ruồi, nhặng vào nhà; dọn dẹp cho nhà cửa thông thoáng để có ánh sáng vào nhà nhằm diệt bớt các vi sinh vật, vi nấm gây bệnh và không có chỗ cho muỗi nấp. Thực hiện 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch, trong đó việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và cho trẻ ăn; sau khi đi vệ sinh và sau khi làm xong công việc. Thực hiện 4 diệt: diệt ruồi, diệt muỗi, diệt gián, diệt chuột để phòng tránh dịch, bệnh…

Có sức khỏe thì mới lao động và học tập tốt, mới tạo ra kinh tế cho mình, cho gia đình và đóng góp cho xã hội phát triển.