Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở chế biến gỗ

(NTO) Tỉnh ta là địa phương có nhiều xưởng chế biến gỗ, trong đó chủ yếu tập trung ở gần các khu dân cư. Tuy nhiên phần lớn các cơ sở này lại chưa chú trọng đến việc đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Đơn cử vụ cháy xảy ra ngày 4-8 tại Cơ sở mộc Thanh Vân, ở khu phố 7, phường Bảo An, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng, nhà kho, hệ thống máy móc, nguyên vật liệu và thành phẩm trong cơ sở sản xuất. Do cháy trong đêm, lại không chủ động phương án PCCC tại chỗ nên mặc dù có sự phối hợp giúp đỡ của quần chúng nhân dân và lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhưng phải mất hơn 4 giờ đám cháy mới được khống chế và dập tắt. Vụ cháy đã thiêu rụi gần như toàn bộ vốn liếng khoảng 5 tỷ đồng của gia đình. Trong đó có nhiều sản phẩm đồ gỗ đã hoàn thiện chuẩn bị giao cho các trường học theo đơn đặt hàng trước dịp khai giảng năm học mới.

Trước đó chưa lâu, ngày 5-1-2012 Cơ sở chế biến gỗ của Xí nghiệp gỗ Thành Lợi, ở khu phố 1, phường Đài Sơn cũng đã bốc cháy trong đêm. Ngọn lửa đã bùng phát dữ dội, thiêu rụi trên 1.500m2 nhà xưởng, toàn bộ máy móc, nguyên vật liệu và rất nhiều tài sản... gây thiệt hại trên 4 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh, thực tế hiện nay rất nhiều các cơ sở, xưởng sản xuất đồ gỗ chưa chú trọng đến công tác PCCC. Cụ thể như không trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC thiết yếu, không có máy bơm, hồ nước để dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn. Việc bố trí, sắp xếp các đồ dùng, nguyên-vật liệu trong kho, xưởng thiếu quy cũ, chưa cách ly tốt với nguồn điện, nguồn nhiệt và lửa nên dễ xảy ra cháy. Công tác kiểm tra, bảo vệ thiếu thường xuyên nên phát hiện cháy không kịp thời, dẫn đến khó khăn cho công tác chữa cháy.

Qua tìm hiểu các vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn tỉnh ta, đã có nhiều cơ sở bị cháy do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, sự thiếu ý thức của người làm công. Mặc dù đồ gỗ là vật liệu rất dễ cháy, nhưng trong quá trình sản xuất có đến 80% công nhân, người tham gia sản xuất trực tiếp tại các cơ sở thường xuyên hút thuốc lá. Vô tình, tàn thuốc rơi xuống lẫn trong mùn cưa, dăm bào tạo nguồn lửa cháy ngầm, rất khó phát hiện rồi bùng cháy và lan rộng rất nguy hiểm. Chính vì vậy, hầu hết các vụ cháy lớn ở các cơ sở chế biến gỗ lại thường xảy ra vào thời điểm đêm khuya.

Theo Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh thì đối với các xưởng gỗ khi đã cháy thì rất khó chữa bởi lửa bắt cháy rất nhanh. Trong điều kiện về phương tiện PCCC của chúng ta còn rất hạn chế thì chủ yếu chỉ khoanh vùng không cho cháy lan rộng chứ chưa thể tập trung dập tắt đám cháy ngay được. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định sản xuất, các cơ sở chế biến gỗ phải chủ động các phương án phòng cháy. Trong đó đầu tư các thiết bị PCCC phù hợp; thường xuyên cử người trực bảo vệ, kiểm tra nhà xưởng, kho bãi, nhất là vào ban đêm; sắp xếp hợp lý các nguyên-vật liệu, cách ly nguồn lửa, nguồn nhiệt để không xảy ra cháy, hoặc nếu cháy thì hạn chế được thiệt hại. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức PCCC cho người lao động tại các cơ sở sản xuất gỗ.

Cũng theo Đại tá Trần Văn Thành, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan, tổ chức kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất đồ gỗ, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không chấp hành các quy định về công tác PCCC.