Ông Trương Tấn Lành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái cho biết: “Do đặc điểm địa bàn rộng, nhiều đèo dốc hiểm trở, trong khi lực lượng Kiểm lâm không nhiều nên việc phối hợp với các lực lượng địa phương để bảo vệ rừng rất được đơn vị chú trọng”.
Công an xã Phước Đại thường xuyên tổ chức truy quét, bắt giữ các đối tượng khai thác lâm sản trái phép.
Tại 9 xã đều có Ban Chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR&PCCCR), với 137 thành viên. Ngoài ra, còn có trên 500 người là lực lượng nòng cốt của 43 tổ chữa cháy rừng, 17 tổ xung kích của các cộng đồng nhận khoán rừng với 70 người tham gia. “Đây chính là lực lượng chủ động nắm bắt tình hình, xử lý trước mắt mọi vấn đề nảy sinh trên địa bàn, giúp cho công tác BVR&PCCCR được triển khai đồng bộ đến cơ sở nhanh chóng, thuận lợi hơn”, ông Lành cho biết thêm.
Tuy nhiên là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả tỉnh với trên 80.000 ha, huyện Bác Ái luôn đối mặt nhiều thách thức trong công tác bảo vệ rừng. Từ khi con đường nhựa từ xã Phước Đại chạy qua các xã Phước Chính, Phước Trung (Bác Ái) và Xuân Hải (Ninh Hải) nối với Quốc lộ 1A hoàn thành, các đối tượng “lâm tặc” đã có thêm một lộ trình mới để vận chuyển lâm sản. Không những thế, con đường này uốn lượn giữa núi rừng, tương đối hẻo lánh, ít dân cư nên càng thuận lợi cho các đối tượng phá rừng hoạt động. Biết được tình hình trên, Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái đã thành lập chốt chặn tại xã Phước Trung, với 13 cán bộ kiểm lâm và các phương tiện cần thiết phục vụ công tác bảo vệ rừng.
Trước hoạt động tuần tra, truy quét quyết liệt của ngành chức năng, nhiều đối tượng vi phạm đã chống lại người thi hành công vụ để “cướp” lại tang vật, phương tiện. Cá biệt, có trường hợp còn tìm đến nhà cán bộ kiểm lâm đập phá tài sản, đe dọa. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện đã xảy ra 7 trường hợp chống người thi hành công vụ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ kiểm lâm mà còn khiến không ít người dân e sợ, thiếu mạnh dạn trong tố giác tội phạm.
Ông Ka-tơ Phố, Phó trưởng Công an xã Phước Đại cho biết: “Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các “điểm nóng” về nạn phá rừng từ 3 đến 4 lần một tuần,… chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía người dân. Khi lên nương rẫy, nghe tiếng máy cưa hoặc phát hiện các đối tượng xâm hại đến rừng là bà con báo ngay cho lực lượng Công an xã và Kiểm lâm để tổ chức chặn bắt.” Điều này cho thấy nếu có sự góp sức của nhân dân trên địa bàn, công tác phòng, chống phá rừng sẽ hiệu quả hơn.
Trước tình hình các đối tượng phá rừng ngày càng hoạt động tinh vi và có nhiều thủ đoạn liều lĩnh, táo bạo, để tăng cường công tác quản lý, BVR, trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm và các đơn vị, ban, ngành liên quan ở huyện Bác Ái xác định cần tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp phù hợp, trong đó lấy nhân dân làm chỗ dựa, làm “tai mắt” cùng chung sức bảo vệ tài nguyên rừng tại địa phương.
Bảo Bình