Chống hay tránh?
Về tên gọi của Luật này, theo Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, lấy tên: “Luật Phòng chống thiên tai” là hợp lý. Bởi, tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng chống thiên tai (PCTT); đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật.
Ảnh minh họa . (Nguồn: vietnam.vn)
Về nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng chống thiên tai (Điều 8, Điều 9), Thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường thấy rằng, kinh phí Nhà nước cho công tác PCTT còn hạn hẹp, ảnh hưởng lớn đến việc thực thi các nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Các nguồn tài chính khác như nguồn thu từ Quỹ phòng chống lụt bão là rất nhỏ so với yêu cầu; các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước không ổn định. Do đó, quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai cần chỉnh sửa cho chặt chẽ và lưu ý Nghị định của Chính phủ về việc thành lập, cơ chế đóng góp, miễn giảm, quản lý và sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai phải sát thực tiễn, khả thi, tránh tình trạng như việc sử dụng và quản lý Quỹ phòng, chống lụt, bão hiện nay.
Liên quan đến trách nhiệm trong ứng phó thiên tai (Điều 30), Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ trách nhiệm của “cơ quan cấp trên”, “cơ quan chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai” khi nhận được thông tin báo cáo; cơ chế phối hợp trong chỉ đạo, thực hiện PCTT trên địa bàn; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
Thảo luận tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tỏ ra băn khoăn về tên gọi “Luật Phòng chống thiên tai” bởi theo lý giải của bà Mai thì liệu có chống được thiên tai hay không, đồng thời đề nghị giữ tên Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai như tên gọi trong Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Bên cạnh đó, bà Mai cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ, quy định cụ thể về việc quy trách nhiệm người đứng đầu trong các tổ chức phòng chống thiên tai cũng như cần có chế tài khi đối tượng này có hành vi sai phạm. Theo bà Mai, Luật quy định càng cụ thể càng tốt, từ phòng ngừa, đến ứng phó, đặc biệt quy định phần trách nhiệm của các cấp, ngành, cá nhân liên quan đến vấn đề này.
Đối với việc lập Quỹ phòng chống thiên tai là cần thiết. Tuy nhiên, theo bà Mai nếu huy động bắt buộc người dân phải công bố công khai, giao lại cho cơ quan Nhà nước quản lý.
Đồng quan điểm với bà Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng nên lấy tên là “Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai” bởi theo ông Sơn đã là thiên tai, thảm họa thì bất khả kháng không thể chống được. Mà nên dùng từ “ tránh” vì “tránh” cũng bao hàm sự ứng phó ở trong đó. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định xử lý các trường hợp cố ý báo cáo sai sự thật về thiệt hại để hưởng lợi trong nhiều trường hợp khác nhau.
Có nên lập Quỹ Phòng chống thiên tai?
Đề cập đến việc có nên thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thể hiện quan điểm không đồng tình. Bởi theo ông Hiển, việc hình thành Quỹ không giải quyết vấn đề lớn, vì trên thực tế khi xảy thiên tai ra vẫn phải sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước là chính. Đồng thời, theo ông Hiển, Luật nào cũng có quỹ mà quỹ kèm theo nhiều khoản thu sẽ dẫn đến việc phân tán nguồn lực quốc gia.
Ngoài ra, theo ông Hiển, cũng còn có nhiều điều quy định trong Dự thảo Luật này chỉ là kể việc, chưa cụ thể, hay quy định lỏng lẻo và trùng lặp với Luật khác.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa lại cho rằng việc lập Quỹ phòng chống lụt bão là cần thiết vì khi xảy ra thiên tai, thảm họa nên có nơi quản lý chặt chẽ, thống nhất kinh phí của các cá nhân, tổ chức ủng hộ. Tuy nhiên, cần cân nhắc về việc có phải đóng góp bắt buộc hay không?
Ông Khoa cũng đề nghị phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức phòng, chống thiên tai khi có thiệt hại xảy ra. “Đây là vấn đề lớn, nên cần có chế tài về vấn đề này” – ông Khoa nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tán việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai từ đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân, song đề nghị UBTVQH cân nhắc yếu tố giảm trừ đối với các hộ nghèo, hộ chính sách ... nên giao Chính phủ có cơ chế quản lý Quỹ này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam