Ảnh minh họa.
Tờ báo dành cả hai trang dài để nói về cuộc “Tấn công của các cường quốc vào Bắc Cực”. Đó là các nước lớn từ châu Âu, Nga cho đến Mỹ và có cả Trung Quốc.
Theo các ước tính, tài nguyên thiên nhiên vùng Bắc Cực vô cùng phong phú: Không chỉ là dầu hỏa - chiếm khoảng 13% nguồn dầu thế giới, khí đốt - chiếm 30% mà còn có cả đất hiếm. Groenland, vùng đất lớn thuộc Đan Mạch ở Bắc Cực đang là trọng tâm trong việc chạy đua khai thác tài nguyên còn hầu như nguyên vẹn này.
Tuy thuộc Đan Mạch, nhưng Groenland đã có quy chế tự trị từ hơn 30 năm nay và từ năm 2009, đảo ở vùng Bắc Cực này có quyền cấp giấy khai thác tài nguyên của mình. Hiện nay khoảng 20 tập đoàn dầu khí quốc tế được phép thăm dò vùng ven biển Groenland.
Công việc thăm dò ngày càng dễ dàng hơn với khí hậu ấm hẳn lên, mùa hè năm nay, theo cơ quan không gian NASA của Mỹ, 97% băng Bắc Cực đã tan chảy, nhanh gấp đôi so với thường lệ. Theo giới khoa học chưa bao giờ Groenland lại nóng như trong vòng 15 năm nay và thay đổi khí hậu rất là nhanh, nhanh hơn dự kiến của họ.
Đối với các cường quốc kinh tế, sự kiện đáng ngại này mang lại cho họ cơ hội phải nắm bắt và phải giành ngay chỗ đứng ở Groenland, tức là ở Bắc Cực.
Trong tuần qua, châu Âu nhắc lại mối liên hệ với Groenland, vì đây là vùng thuộc Đan Mạch, thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 1973. Theo châu Âu, hiện giờ họ tùy thuộc 100% vào đất hiếm nhập từ Trung Quốc. Do đó, đất hiếm tại Groenland sẽ là cứu cánh để châu Âu thoát sự lệ thuộc hiện nay. Có điều, theo một số nhà quan sát, Groeland có vẻ thiên về Mỹ hay Canada hơn là châu Âu. Ngoài vấn đề tài nguyên kể trên thì Groenland còn nắm giữ 10% nước ngọt thế giới, thêm một yếu tố để đảo này bị nhòm ngó.
Trong cuộc chạy đua này, La Croix cũng chú ý đến Trung Quốc, mà theo tờ báo, đang cho thấy cả một “chiến lược chinh phục”. Trung Quốc vừa thông báo quyết định đóng tàu phá băng đầu tiên cho các cuộc thám hiểm Bắc Cực. Chiếc tàu đóng ở Trung Quốc, nhưng hợp tác với Phần Lan sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2014. Theo La Croix, Trung Quốc đã tổ chức 3 cuộc thám hiểm khoa học ở Bắc Cực, lần đầu tiên vào năm 1999, kế đến là 2003 và 2006 và dự kiến tổ chức thêm 3 cuộc thám hiẻm khác từ đây đến năm 2015.
Đối với nhật báo Pháp, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã khằng định ý muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trong vùng này.
Dù rất chú ý đến tài nguyên, đặc biệt là dầu, nhưng yếu tố mà Bắc Kinh quan tâm trước tiên hiện nay là vấn đề chuyên chở lưu thông. Băng tan, mở ra hy vọng lưu thông hàng hải ở vùng cực Bắc này và sẽ rút ngắn con đường đi từ Trung Quốc sang châu Âu đến 6.400 cây số. Tàu như thế sẽ chi còn mất 22 ngày, thay vì 40 ngày theo đường hiện nay.
Nguồn www.chinhphu.vn