FAO hạ mức dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2012

Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) đã giảm mức dự báo về sản lượng gạo toàn cầu trong năm 2012, do tình trạng mưa ít diễn ra tại Ấn Độ.

Theo báo cáo của FAO, có trụ sở tại Roma (Italia), lượng mưa trung bình tại Ấn Độ tính đến giữa tháng 7 năm nay giảm 22%, có thể sẽ làm giảm sản lượng gạo của nước sản xuất lúa gạo lớn thứ hai thế giới này. Vì vậy, FAO đã điều chỉnh dự báo về sản lượng gạo thế giới trong năm 2012, giảm khoảng 7,8 triệu tấn xuống còn 724,5 triệu tấn gạo.

Ngoài ra, FAO cũng giảm mức dự báo về sản lượng lương thực của Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên và Nepal. Mặc dù vậy, theo báo cáo trên, sản lượng gạo toàn cầu năm nay vẫn cao hơn so với kết quả đạt được trong năm 2011.

Đề cập đến giá gạo, FAO cho biết giá mặt hàng lương thực quan trọng này vẫn ổn định sau khi dao động tăng 2% trong tháng 5 vừa qua, ngược lại với thị trường lúa mỳ và ngô thế giới. Theo FAO, do nguồn cung và dự trữ gạo thế giới hiện đang dồi dào, khả năng giá gạo tăng mạnh trong những tháng tới là rất ít. Tuy nhiên, trong tương lai, giá mặt hàng lương thực chủ chốt này được dự báo sẽ không ổn định.

Dự báo, năm nay, sản lượng gạo của Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan đều sẽ tăng, trong khi khu vực châu Phi có thể tăng 3%, riêng Australia, vụ thu hoạch năm nay ước tính sẽ tăng 32% so với vụ mùa năm ngoái. Trong khi dự báo sản lượng gạo tại phần lớn các nước Nam Mỹ vẫn khá tốt, tại một số nước Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Paragoay và Urugoay, sản lượng gạo lại được dự báo giảm 7% do lượng mưa thấp.

Báo cáo của FAO cũng cho biết buôn bán gạo toàn cầu sẽ giảm 1 triệu tấn, xuống còn 34,2 triệu tấn trong năm nay, phần lớn do nhu cầu nhập khẩu từ một số nước châu Á giảm.

Hạn hán hoành hành khắp thế giới

Tình hình hạn hán tại Mỹ đang rất nghiêm trọng. Tuần rồi, Bộ Nông nghiệp nước này đã đưa thêm 218 quận vào danh sách “vùng thiên tai”. Như vậy, đã có 1.584 quận, tức hơn phân nữa nước Mỹ, bị xếp vào danh sách này. Theo dự phóng, ở 50% vùng trồng bắp và 37% vùng trồng đậu tương, gần 80% khu vực chăn nuôi sẽ bị hạn hán ảnh hưởng nặng nề. Tình hình này có thể khiến Mỹ mất vị trí số một về sản xuất bắp.

Trong bối cảnh đó, giá ngũ cốc đã bắt đầu tăng lên, nhất là trong ba tháng rồi, giá lúa mì tăng 41%, giá đậu tương tăng 17%, giá bắp tăng 29%. Trong năm tới, tình hình có vẻ dịu đi với tỷ lệ tăng giá thực phẩm ở Mỹ có thể chỉ dao động từ 3 đến 4%. Việc bắp tăng giá sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực khác, và kéo theo các mặt hàng khác như gà, heo, bò và sữa, cũng tăng giá do chi phí thức ăn sẽ cao hơn.

Nhiều nước khác cũng đang quằn mình bởi hạn hán. Vùng Tây Âu cũng thiếu mưa trầm trọng. Sắp tới, nhiều dự phóng cho rằng giá cả thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trên phạm vi thế giới.Trong bối cảnh đó, Le Figaro cảnh báo, giá thực phẩm tăng cao là một vấn đề lớn, có thể gây bất ổn xã hội. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2007 và 2008, tại Pakistan, Maroc, Sri Lanka và Uzbekistan, xã hội đã rơi vào bất ổn chỉ vì giá thực phẩm tăng cao.

Nguồn www.chinhphu.vn