Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận báo cáo của Ủy ban điều phối chung về Tam giác phát triển và tình hình hợp tác giữa ba ủy ban đối ngoại Campuchia - Lào - Việt Nam trong quan hệ song phương và đa phương nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ba ủy ban đối ngoại, đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt Campuchia - Lào - Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội 3 nước trao ký kết Tuyên bố chung vì sự hợp tác, đoàn kết, phát triển
Xây dựng chính sách thúc đẩy khu vực Tam giác phát triển
Khu vực Tam giác phát triển gồm 13 tỉnh Mođunkiri, StrungTreng, Rattanakiri, Kratie (Campuchia); Attapư, Saravan và Sêkông, Chămpasắc (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước (Việt Nam), có tổng diện tích tự nhiên 144.600 km2, dân số trung bình là 6,7 triệu người, mật độ dân số 46 người/km2.
Khu vực này là vùng cao nguyên rộng lớn, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Kinh tế khu vực có bước tăng trưởng cao so với tốc độ tăng trưởng bình quân của mỗi nước.
Cơ cấu kinh tế của khu vực chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng bước đầu được hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, cấp điện…
Báo cáo về khu vực tam giác phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đào Quang Thu cho biết phần lớn các dự án khu vực này là các dự án của doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng và thủy điện.
Tại 4 tỉnh của Lào, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 50 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,544 tỷ USD, chiếm 23% số dự án và 45% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào.
Các dự án tập trung chủ yếu vào các ngành nông lâm nghiệp, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo. Tại bốn tỉnh của Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư khoảng 20 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 1,242 tỷ USD (trong tổng số 112 dự án đầu tư vào Campuchia thì khu vực Tam giác phát triển chiếm 17,3% số dự án và 57% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia).
Những lĩnh vực Việt Nam đầu tư chủ yếu tập trung trồng cây công nghiệp (11 dự án), còn lại là các dự án trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng và thủy điện.
Một số dự án đầu tư đã hoạt động và có những đóng góp bước đầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân địa phương, cải thiện môi trường, thay đổi tập quán người dân, nhất là tập quán du canh du cư của người dân Lào.
Trong tương lai gần, khi các dự án đầu tư lớn trong Khu tam giác phát triển đi vào hoạt động sẽ góp phần làm gia tăng nguồn thu và gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho khu vực này.
Để tiếp tục phát huy các thế mạnh của mỗi bên cho hợp tác phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng cần tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Campuchia và Lào là đất đai, cơ hội tiếp cận thị trường nước thứ ba, khoáng sản, tiềm năng thủy điện. Việt Nam có nguồn nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ trong một số ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến, tiếp tục lựa chọn các lĩnh vực để hợp tác thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, các bên cần chú trọng hợp tác phát triển các lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, thể thao để từng bước nâng cao dân trí của khu vực.
Khu vực Tam giác phát triển phải gắn hợp tác phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác tài nguyên hợp lý, phát triển bền vững. Mỗi nước nên phát triển hơn nữa nguồn nhân lực trong khu vực tam giác phát triển bằng cách chỉ định một trường đại học hoặc trung tâm đào tạo làm cơ sở đào tạo cho địa bàn này.
Nhằm góp phần thực hiện vai trò nhiệm vụ của Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác, khuyến khích đầu tư và theo dõi kiểm tra các dự án trong khu vực tam giác phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Koukeo Akkhamonty đề nghị, ba nước nên bắt đầu từ việc thành lập Ủy ban hợp tác chung và giao cho Ủy ban làm đầu mối nòng cốt trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động liên quan; đồng thời Ủy ban Đối ngoại của ba nước có nhiệm vụ phối hợp với các ủy ban của Quốc hội, các bộ có liên quan để thúc đẩy việc theo dõi thực hiện các kế hoạch, dự án trong khu vực tam giác phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chính phủ và Quốc hội ba nước cần tích cực tuyên truyền chính sách đầu tư tại khu vực tam giác phát triển nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư nhiều hơn góp phần giảm khó khăn cho người dân.
Tăng cường hợp tác song phương, đa phương
Trên cơ sở của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước Đông Dương, kế thừa tinh thần đoàn kết của ba dân tộc Việt - Lào - Campuchia, trong thời gian qua, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác Quốc tế, Thông tin và Truyền thông của Quốc hội Campuchia và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào.
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước đã điều phối các hoạt động hợp tác giữa ba Quốc hội, góp phần quan trọng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước nói riêng, tình đoàn kết giữa nhân dân ba nước nói chung.
Thay mặt Đoàn Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: Cùng với quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, ba Ủy ban Đối ngoại đã làm tốt công tác tham mưu để đưa mối quan hệ hợp tác giữa ba Quốc hội ngày càng phát triển.
Các bên cùng nhau xây dựng các cơ chế hợp tác có hiệu quả, đảm bảo sự kế thừa mối quan hệ chính trị tốt đẹp, đảm bảo tính pháp lý bền vững trong các hoạt động hợp tác song phương giữa các cơ quan chuyên môn và hành chính của ba Quốc hội.
Hiện nay, qua sự điều phối của ba Ủy ban đối ngoại, các hoạt động hợp tác song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia đã và đang triển khai mạnh mẽ và toàn diện.
Đánh giá về việc hợp tác trong lĩnh vực đa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh: Quốc hội ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đều là thành viên của nhiều diễn đàn liên nghị viện ở khu vực và quốc tế như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Hợp tác Nghị viện Á - Âu (ASEP), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF)… và nhiều cơ chế liên nghị viện khác.
Ủy ban Đối ngoại của ba nước đều là đầu mối tham mưu nội dung và triển khai các hoạt động tại các diễn đàn này. Vì vậy, việc trao đổi, tham khảo quan điểm và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương này là hoạt động thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc phát huy vai trò Quốc hội ba nước trên kênh ngoại giao nghị viện đa phương.
Kiến nghị nâng cao hiệu quả hợp tác song phương và đa phương trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Nguyễn Mạnh Tiến đề xuất các kiến nghị hợp tác giữa ba Quốc hội trong việc thực thi những cam kết ở khu vực và quốc tế trong nhiều lĩnh vực, phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.
Ba Ủy ban Đối ngoại phối hợp thực hiện cơ chế trao đổi thường niên nhằm cập nhật tình hình khu vực và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và đề xuất phương hướng hành động trong một số lĩnh vực là mối quan tâm chung của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam tiếp tục phát huy tình đoàn kết, mối quan hệ truyền thống láng giềng hữu nghị và hợp tác./.
Nguồn Tạp chí Cộng sản