Ảnh minh họa.
Trong hoạt động thương mại quốc tế và đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hoạt động kinh doanh tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến. Không chỉ ở những nước có hệ thống cảng biển thuận lợi, hạ tầng thương mại phát triển mà cả các nước có vị trí địa lý không thuận lợi cũng tìm biện pháp khuyến khích phát triển loại hình buôn bán quốc tế này.
Đối với Việt Nam, kể từ năm 2005-2006 khi có Luật Thương mại và Nghị định số 12/NĐ-CP, hoạt động tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu hàng hoá đã phát triển nhanh chóng trong xu thế hội nhập, phù hợp với những cam kết WTO về tự do quá cảnh, chuyển tải hàng hoá. Theo thống kê, số DN tham gia tạm nhập – tái xuất đã tăng từ 1.120 lên 1.711 DN, tổng kim ngạch tạm nhập – tái xuất tăng từ 2,1 lên 10,3 tỷ USD, góp phần tích cực trong việc đa dạng hoá hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển KTXH, tăng thêm nguồn thu ngân sách, thúc đẩy các dịch vụ cảng biển, vận tải, giao nhận hàng hoá phát triển.
Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, hoạt động tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Điển hình là việc một số đối tượng lợi dụng hình thức này với một số cơ chế quản lý thông thoáng để vận chuyển hàng trái phép xâm nhập nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị, thuế suất cao như xăng dầu, thuốc lá điếu, rượu.
Trong khi đó, cơ chế quản lý hiện nay được phản ánh vẫn có nhiều điểm chưa chặt chẽ, sát thực tế, lực lượng kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa tương xứng yêu cầu đề ra, chế tài xử lý các vụ vi phạm chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe,…
Tại cuộc họp, các cơ quan chức năng cũng phản ánh và góp ý về một số vấn đề được coi là chưa hợp lý, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng trong cơ chế quản lý, chính sách tạm nhập – tái xuất hiện nay như thời hạn nộp thuế, thời gian cho phép hàng tạm nhập – tái xuất lưu tại Việt Nam, việc thống kê số lượng, giá trị hàng hoá đăng ký tạm nhập – tái xuất…
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao nhiệm vụ cho một số Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, có báo cáo đánh giá toàn diện tình hình để sớm trình Chính phủ có các giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu hàng hoá, giảm thiểu những hành vi lợi dụng để trục lợi, kinh doanh trái phép, nhập lậu hàng hoá vào Việt Nam.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý việc rà soát lại, xây dựng những nhiệm vụ, kế hoạch triển khai đối với từng nhóm hàng, cơ cấu hàng hoá, cửa khẩu có lượng hàng hoá tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu. Các giải pháp được đề xuất cần có tính căn cơ và tính đến lợi ích tổng quát hơn đồng thời cũng hết sức cụ thể để từng cơ quan, địa phương thực hiện với các nhóm biện pháp về thủ tục, tài chính, thuế…
Nguồn www.chinhphu.vn