Phát hiện rừng mưa nhiệt đới 52 triệu năm tuổi

Trong quá trình khoan thăm dò đáy biển Nam Cực, các nhà khoa học đã vô tình phát hiện một rừng mưa nhiệt đới cổ đại hình thành trên lục địa lạnh giá cách đây 52 triệu năm.

 
 
Nam Cực lạnh giá từng là vùng đất của những cánh rừng mưa nhiệt đới

Nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu lớp trầm tích nằm dưới lòng biển phía đông Nam Cực, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được nhiều loại phấn hoa hóa thạch tại đây.

Theo đánh giá ban đầu, những loại phấn hoa này có nguồn gốc từ một khu rừng nhiệt đới hình thành trong thời kỳ Eocene, cách đây từ 34 – 56 triệu năm.

Nhà khoa học Australia Kevin Welsh – người từng tham gia chuyến thám hiểm tới Nam Cực vào năm 2010 cho biết những phân tích về các phân tử nhạy nhiệt độ trong nhiều lõi trầm tích đã chứng minh cách đây 52 triệu năm, Nam Cực từng là một vùng đất ấm áp với nhiệt độ vào khoảng 20 độ C.

"Từng có nhiều khu rừng hình thành tại Nam Cực ngày nay. Trong giai đoạn cổ đại, Nam Cực không có băng và khí hậu lại khá ấm áp. Phát hiện này khiến các nhà khoa học khá bất ngờ bởi từ trước tới nay họ luôn cho rằng Nam Cực là lục địa lạnh giá với băng phủ kín", ông Welsh chia sẻ.

Chính nồng độ CO2 cao hơn so với hiện nay trong bầu khí quyển thuộc thời cổ đại đã khiến Nam Cực không có băng và khí hậu trở lên ấm áp. Lượng CO2 được ước tính khoảng từ 990 – 2.000 phần triệu (ppm).

Trong khi đó, lượng CO2 hiện tại đo được là 395 ppm. Theo dự báo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) khả năng con người sẽ phải chứng kiến cảnh tượng băng Nam Cực tiếp tục tan chảy mạnh vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Queensland đã giúp thế giới có cái nhìn toàn cảnh về hiện tượng biến đổi khí hậu trong tương lai cũng như dự báo được trữ lượng nước khổng bên trong các tảng băng lớn tại Nam Cực.

Theo nhà nghiên cứu Welsh, nếu con người ngừng các hoạt động làm tăng lượng CO2 phát thải ra bầu khí quyển, thì các tảng băng lớn tại Nam Cực cũng sẽ không tan chảy và gây biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như mực nước biển tăng ảnh hưởng tới đời sống của con người.

Những lớp băng trên khu vực phía đông Nam Cực thường có độ dày từ 3 – 4 km và được dự đoán hình thành cách đây 34 triệu năm.

Hiện tượng các lớp băng Nam Cực tan chảy khiến nhiệt độ toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính những lớp băng này là một trong những thành phần quan trọng trong cơ chế làm mát lõi hành tinh, từ đó điều tiết khí hậu nhờ khả năng phản chiếu năng lượng Mặt trời vào trong vũ trụ.

Nguồn Infonet.vn