Hoàng Sa, Trường Sa không có trên bản đồ Trung Quốc

Thêm một bằng chứng chứng minh rằng Trường Sa - Hoàng Sa chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Điều này do chính triều đại phong kiến Trung Quốc thừa nhận qua tấm bản đồ mới được chính thức công bố tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tấm bản đồ quý đã được một cá nhân trao tặng cho Bảo tàng. Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã có dịp gặp gỡ chủ nhân của tấm bản đồ này, người đã gìn giữ nó không chỉ như đồ gia bảo, mà ông đã ý thức nó như đồ quốc bảo suốt 40 năm qua.

 
Cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Không hề có Tây Sa và Nam Sa
(tức Hoàng Sa và Trường Sa) trong tấm bản đồ quý và chính thống này (Ảnh: Tuổi trẻ)

Một ngày đầu tháng 7, Giáo sư Chương Thâu đến thăm Tiến sĩ Mai Hồng, vì nghe ông nói có tấm bản đồ quý muốn giới thiệu cho Giáo sư. Tiến sĩ Mai Hồng, nguyên cán bộ Viện Hán Nôm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phả học Việt Nam cho biết: “Bản đồ phần Việt Nam đây. Việt Nam Đông kinh, Đông kinh - miền Bắc Việt Nam. Còn đây là Đông kinh loan - Vịnh Đông kinh, tức Vịnh Bắc Bộ. Còn phần của Trung Quốc thì đến đảo Hải Nam thôi là hết rồi…”.

Bắt đầu từ năm Tân Mão Khang Hy 50, năm 1711, được hoàn chỉnh năm Quang Tự nhà Thanh Giáp Thìn 1904, với sự đóng góp của nhiều thế hệ giáo sĩ phương Tây và nhân sĩ Trung Hoa. Tuy nhiên, khi đi về phía biển cực Nam Trung Hoa, tất cả họ chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.

Nhìn tổng thể tấm bản đồ đã chỉ rõ chủ quyền của Trung Quốc trên biển và tất nhiên, không có vùng biển bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều đó càng được đối chứng rõ ràng hơn khi một người sưu tập thư tịch cổ (anh Ánh Ngọc), đã mang tới tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, năm 1838, tức là có trước tấm toàn đồ trên của Trung Quốc để so sánh.

GS Chương Thâu, Viện Sử học Việt Nam khẳng định: “Đây sẽ là chứng cứ không thể chối cãi. Chính Trung Quốc đầu thế kỷ 20 cũng đã thừa nhận là họ chỉ có đến thế thôi, chứ chẳng có cái gì liên quan đến Trường Sa - Hoàng Sa hay bây giờ họ gọi là Tam Sa để bao chiếm cả”.

Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng, người trao tặng tấm bản đồ cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nói: “Tôi nghĩ rằng cái bản đồ này không chỉ cho người dân Việt, dân Trung Hoa, mà còn cho cả thế giới biết nữa. Vì thế giới bây giờ họ cũng nghĩ về Biển Đông nhiều lắm. Mà cái này thì không phải do chúng ta làm ra, do Trung Hoa làm. Khách quan thế, nên không phải cãi nhau, không ai cãi nhau về bằng chứng này nữa cả…”.

Tấm toàn đồ được Tiến sĩ Mai Hồng mua từ một gánh sách rong 40 năm trước, một mình ông biết, một mình ông hay. Giờ ông đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia để công bố rộng rãi. Ông nói, vậy là ông mãn nguyện, vì ông đã làm tròn bổn phận của mình với đất nước.

Năm tháng đã đi qua, nhưng lịch sử đã được khẳng định thì không thể chối cãi. Chính những câu cuối trong “Lời nói đầu” tấm toàn đồ, người Trung Quốc đã viết: Tự hỏi nếu mắc một lỗi thì sẽ lấy gì để bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức tất sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với mọi người. Tấm toàn đồ này cũng chính là một tri thức mà người Trung Quốc cần biết và cần nhớ, cần công nhận.

Nguồn VTV.VN