Ðể vận dụng hiệu quả, nhất quán những nguyên tắc, quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982, chúng ta cần xây dựng một bộ luật tổng quát về biển vì trước đây ta chỉ có một số văn bản đề cập đến một số khía cạnh cụ thể có liên quan. Trên thực tế, các nước ven biển đều ban hành các luật về biển, luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, v.v...
Mục đích của việc thông qua Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam và phù hợp luật pháp quốc tế, do đó có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại.
Ngày 23-6-1994, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, trong đó nêu rõ "Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm lợi ích của Việt Nam". Thực hiện nghị quyết nêu trên của Quốc hội và để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, ngay từ năm 1998, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa X. Thực hiện Chương trình đó, các bộ, ngành hữu quan của Chính phủ đã phối hợp các cơ quan của Quốc hội xây dựng dự thảo Luật Biển Việt Nam. Dự thảo Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế, trong đó có thực tiễn của các nước và các yêu cầu về phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của nước ta. Trải qua ba nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII với nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, dự thảo Luật Biển Việt Nam đã tương đối hoàn thiện và đủ điều kiện để xem xét thông qua.
Dự thảo Luật Biển Việt Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII (tháng 12-2011), tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến đối với các nội dung quan trọng của dự thảo luật. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp hoàn thiện Luật Biển để Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Tại phiên họp ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối (99,8%).
Luật Biển Việt Nam bao gồm bảy chương và 55 điều:
Chương I: Những quy định chung
Gồm có 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, việc áp dụng pháp luật, giải thích từ ngữ, nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, chính sách quản lý và bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển, quản lý nhà nước về biển.
a. Ðiều 1 của Luật Biển Việt Nam nêu rõ phạm vi điều chỉnh của luật là đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo. Việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong luật là sự tiếp nối lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề này, đã được nêu rõ trong Nghị quyết năm 1994 của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003.
b. Về nguyên tắc và chính sách quản lý, bảo vệ biển, Luật Biển Việt Nam nêu rõ quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
c. Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan biển, đảo với các nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó nêu nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương.
d. Về cơ chế quản lý biển, quản lý biển là một công việc lớn và phức tạp, có liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Ðể bảo đảm nguyên tắc quản lý biển thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, Luật Biển Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước; các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về biển.
Chương II: Vùng biển Việt Nam
Gồm có 14 điều quy định về việc xác định đường cơ sở, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo.
a. Về đường cơ sở, Luật Biển Việt Nam quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Hiện nay ta đã có đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến đảo Thổ Chu. Một số khu vực hiện nay chưa có đường cơ sở như Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì Chính phủ sẽ xác định và công bố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
b. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải Việt Nam. Nội thủy của nước ta là vùng nước nằm giữa bờ biển và đường cơ sở. Lãnh hải của nước ta rộng 12 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng trời, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển của nội thủy và lãnh hải cũng thuộc chủ quyền của nước ta. Nhà nước ta thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng đặc quyền kinh tế của nước ta rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Thềm lục địa của nước ta được xác định căn cứ vào phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất ra đến mép ngoài cùng của rìa lục địa. Ở nơi mép ngoài cùng của rìa lục địa chưa đến 200 hải lý thì phần thềm lục địa mở đến 200 hải lý. Ở nơi mép ngoài cùng của rìa lục địa vượt quá 200 hải lý, thềm lục địa của ta được mở rộng đến 350 hải lý theo các điều kiện và thủ tục Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Nhà nước ta đã căn cứ vào quy định của Công ước, tiến hành khảo sát thực tế đáy biển, xác định giới hạn thềm lục địa ở những khu vực mở rộng ra ngoài 200 hải lý. Năm 2009, Chính phủ đã gửi báo cáo về ranh giới thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở hai khu vực cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa xem xét.
Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam quy định tàu, thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải nước ta. Tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Luật Biển Việt Nam cũng quy định quyền tự do hàng hải, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; cũng như quyền lắp đặt dây cáp, ống dẫn ngầm trên thềm lục địa Việt Nam. Việc thực hiện các quyền và hoạt động nói trên phải phù hợp Công ước Luật Biển 1982, các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên và luật pháp Việt Nam về biển.
c. Ðối với các đảo, quần đảo, Luật Biển Việt Nam khẳng định Nhà nước ta thực hiện chủ quyền trên các đảo, quần đảo Việt Nam. Phù hợp Ðiều 121 của Công ước Luật Biển 1982, Luật Biển Việt Nam quy định đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; còn đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam
Gồm có 20 điều quy định về nội hàm của việc đi qua không gây hại, nghĩa vụ khi thực hiện quyền này, quy định tuyến hàng hải và phân luồng giao thông.
Luật Biển Việt Nam quy định rõ những hành vi mà tàu, thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải nước ta. Cụ thể là không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu, thuyền; bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh; cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, đánh bắt hải sản trái phép; nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép, v.v... Tàu thuyền nước ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, đường dây cáp ngầm, bảo tồn tài nguyên biển, giữ gìn môi trường biển.
Luật Biển Việt Nam cũng nêu rõ Chính phủ quy định công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải, khi cần thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam. Luật Biển Việt Nam cũng quy định tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác khi ở trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải nổi trên mặt nước. Trong chương này, Luật Biển Việt Nam cũng quy định về vấn đề tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, về giữ gìn bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, về nghiên cứu khoa học biển; đồng thời nêu cụ thể những hành vi bị cấm, như đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh Việt Nam; khai thác tài nguyên, lắp đặt sử dụng thiết bị công trình, khoan đào, nghiên cứu khoa học một cách trái phép; tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí chất nổ, chất độc hại, mua bán người, hoạt động cướp biển, phát sóng trái phép.
Chương IV: Phát triển kinh tế biển
Chương này có năm điều quy định các nguyên tắc phát triển biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển.
Các nguyên tắc phát triển kinh tế biển là phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn trên biển; phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo. Luật Biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.
Luật Biển Việt Nam là luật cơ bản về biển của nước ta. Ngoài Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã có các luật chuyên ngành như Luật Dầu khí, Luật Thủy sản, v.v... Những nội dung cụ thể của các ngành kinh tế biển được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành.
Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển
Chương này có ba điều quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển.
Luật Biển Việt Nam quy định rõ các lực lượng có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát trên biển, gồm: Hải quân nhân dân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Công an Nhân dân, các đơn vị quân đội đóng trên các đảo, quần đảo, các lực lượng tuần tra kiểm soát chuyên ngành hải quan, thủy sản, giao thông vận tải, môi trường, y tế và kiểm dịch. Các lực lượng này hoạt động theo nhiệm vụ được quy định cụ thể trong luật pháp Việt Nam và được trang bị cờ, sắc phục, phù hiệu có dấu hiệu đặc trưng. Ngoài các lực lượng chuyên trách nêu trên, khi cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền sẽ huy động sự tham gia của các lực lượng bán chuyên trách.
Chương VI: Xử lý vi phạm
Chương này có bốn điều quy định về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp bảo đảm tố tụng, xử lý vi phạm, biện pháp đối với đối tượng là người nước ngoài... nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đúng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm Luật Biển Việt Nam.
Chương VII: Ðiều khoản thi hành
Luật Biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Chính phủ sẽ ban hành những quy định hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao ở trong luật.
Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.
Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ mà Quốc hội khóa IX đề ra là bổ sung quy định của luật pháp quốc gia phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, bảo đảm lợi ích của Việt Nam. Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Nguồn Báo Nhân Dân