Các tuabin điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: VGP/Minh Huệ
Ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, chủ đầu tư Dự án Điện gió Bạc Liêu cho biết, quá trình xây dựng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu gặp vô vàn khó khăn từ thăm dò địa chất đển trên làm trụ móng. Mỗi trụ tuabin điện gió tiêu tốn 1.000 tấn vật liệu và 3 tháng thi công. Các kỹ sư, công nhân phải đào kênh giữa biển, bắc cầu bằng cây tràm dài cả km để đi xuồng ra các trụ tuabin khi thủy triều rút xuống.
Vì vậy, việc đấu nối dòng điện từ nhà máy vào lưới điện quốc gia là bước đột phá cho việc phát triển năng lượng tái tạo và minh chứng cho việc Việt Nam có thể xây dựng nhà máy điện gió trên biển.
Vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy điện gió rất lớn, nhưng khi đi vào vận hành, nhà máy lại không phải mất chi phí nguyên liệu, chỉ mất tiền để bảo trì và trả lương cho công nhân vận hành.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng ghi nhận, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu là dự án đầu tiên có quy mô lớn tại khu vực đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL) và sẽ là tiền đề để phát triển thêm các nhà máy điện gió tại khu vực này trong tương lai.
Với 56 km bờ biển, lại là vùng nhiều gió, ít bão, tỉnh Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió, phát huy được lợi thế ở vùng ven biển vốn hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả. Vì vậy, tỉnh đang xin chủ trương quy hoạch mở rộng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu trở thành Trung tâm Điện gió khu vực ĐBSCL. Theo đó, chủ đầu tư sẽ mở rộng quy mô, diện tích để xây dựng thêm khoảng 300 tuabin dọc ven biển từ xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (giáp tỉnh Sóc Trăng) đến xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, ước tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ kết hợp quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản ở ngay vùng phát triển điện gió để tận dụng diện tích mặt nước ven biển. Nhà máy điện gió không xả khí thải ra môi trường, có thể cùng phát triển hài hòa với ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nên đảm bảo phát triển bền vững.
Nguồn www.chinhphu.vn