(NTO) Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển, trong 6 tháng đầu năm , ngành KHCN đã tổ chức kiểm tra, quản lý và xúc tiến các thủ tục đúng quy định đối với 48 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, 27 đề tài, dự án khoa học cấp huyện chuyển tiếp từ các năm trước sang năm 2012 và tổ chức họp hội đồng tư vấn tuyển chọn, xét chọn 7 đề tài, dự án khoa học mới đủ điều kiện, năng lực chủ trì thực hiện từng nhiệm vụ. Nhờ đó đã giúp cho người dân tiếp cận được các mô hình sản xuất mới, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng cây trồng rất hiệu quả.
Mô hình trồng rau an toàn ở phường Văn Hải, Tp.Phan Rang –Tháp Chàm.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KHCN cho biết: Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án khoa học đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội trong tỉnh. Cụ thể như trong lĩnh vực nông nghiệp, các đề tài, dự án đã tập trung vào nghiên cứu, lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: Mô hình nuôi heo địa phương, nuôi dông trên cát, trồng giống nho lấy lá, mô hình trồng cây măng tây xanh... Các đề tài, dự án khoa học mới được bà con nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap; dự án ứng dụng KHCN “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh lúa; đề tài nghiên cứu cải tiến lồng bẫy truyền thống để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản; dự án ứng dụng mô hình hầm khí Biogas nắp nổi xử lý chất thải trong chăn nuôi heo ...
Không chỉ chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ còn quan tâm mở các lớp tập huấn để phổ biến, nhân rộng các thành tựu về tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho hàng trăm lượt đối tượng là nông dân, cán bộ khuyến nông cơ sở. Nhờ đó, kỹ năng sản xuất và chăn nuôi của người dân đã được nâng lên, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi từ chỗ chỉ quen với tập quán sản xuất lạc hậu nay đã tiếp cận được những tiến bộ khoa học trong sản xuất. Đơn cử như ở xã Phước Thắng (Bác Ái), trước đây bà con dân tộc Raglai chỉ biết sản xuất theo phương pháp trồng thả, nhưng nay thông qua dự án KHCN nhận thức của bà con về kỹ thuật canh tác lúa nước đã nâng lên rất nhiều. Anh Phạm Thanh Hưng, Phó Phòng phụ trách Quản lý Khoa học công nghệ cơ sở cho biết: “Đến nay, đa số bà con địa phương đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trong sản xuất như: sử dụng giống tốt để gieo, biết cách sử dụng phân bón, phương pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng phù hợp. Đây là bước thành công ban đầu trong việc hướng cho bà con dân tộc thiểu số chuyển dần từ tập quán canh tác cũ sang tập quán canh tác mới.”
Ngoài các đề tài, dự án kể trên, hiện ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án: Xây dựng mô hình ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất chế biến thực phẩm từ rong sụn; mô hình ứng dụng công nghệ chiết xuất hoạt chất Azadirachtin Limonoid từ cây neem làm nguyên liệu để sản xuất, chế biến một số sản phẩm phục vụ cho sản xuất; chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ một số loại nấm; mô hình đưa thông tin KHCN về cơ sở...
Để đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào thực tiễn phục vụ sản xuất, trong thời gian tới cùng với thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho nông dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đầu tư ứng dụng KHCN đối với các sản phẩm có tính đặc thù theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, ngành tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KHCN; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia “Chợ công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam năm 2012”; vận động, tuyên truyền đến các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”. Phối hợp với Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân để xây dựng đề án: “Trạm quan trắc, cảnh báo phóng xạ môi trường và Trung tâm điều hành ứng phó sự cố điện hạt nhân tỉnh Ninh Thuận”; lập đề án ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và hoàn thiện hồ sơ dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho của tỉnh.
Văn Thanh